Không thể coi là chuyện nhỏ!

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một người đàn ông trong trang phục lịch sự ghi một dòng chữ lên bàn tay Cầu Vàng, Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills ở thành phố Đà Nẵng và selfie (tự chụp chân dung) với 'tác phẩm' của mình.

Hành động của người đàn ông này lập tức đã nhận nhiều “gạch đá” của cộng đồng mạng.

 Cầu Vàng tại Đà Nẵng dài 150m và cao 1.414m so với mặt đất. Ảnh minh họa Quỳnh Như.

Cầu Vàng tại Đà Nẵng dài 150m và cao 1.414m so với mặt đất. Ảnh minh họa Quỳnh Như.

Rất nhiều người bức xúc, cho rằng đây là hành động thiếu văn hóa và cần phải có biện pháp xử lý thật mạnh để làm gương. Một đội họa sĩ được cử đến để tìm cách khắc phục, nhưng theo lãnh đạo khu du lịch, khó có thể khôi phục 100% nguyên trạng vẻ rêu phong trên đá của bàn tay Cầu Vàng.

Trước đó, vào tháng 10-2018, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã phải yêu cầu trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng tháo dỡ hai bức tranh “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá” từng đạt kỷ lục Guinness Việt Nam do... bị vẽ bậy quá nhiều. Hai bức tranh này được trang trí tại hầm đi bộ bờ Tây cầu Rồng vốn rất thu hút sự chú ý của du khách.

Những kẻ viết bậy, vẽ bậy, xâm phạm vào các công trình văn hóa - du lịch như hai trường hợp trên đến nay vẫn không phải chịu sự trừng phạt nào. Chính quyền thành phố Đà Nẵng chỉ còn cách ra lệnh tháo dỡ khi thấy một tác phẩm nghệ thuật thu hút khách du lịch đã trở nên quá xấu xí, trong khi doanh nghiệp khu du lịch nói trên thì chỉ còn biết khắc phục sự cố “bôi bẩn” công trình mà du khách nọ gây ra.

Nhiều ý kiến cho rằng Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills có quyền truy tìm, buộc bồi thường, hoặc phối hợp với cơ quan chức năng đưa ra mức xử phạt thích đáng đối với vị khách này. Tương tự như vậy, với hai bức tranh được trang trí tại hầm đi bộ bờ Tây cầu Rồng, cơ quan chức năng lẽ ra cần có những biện pháp giám sát, ngăn chặn, đồng thời xử phạt thật nặng những ai có hành vi vẽ bậy, bôi bẩn lên công trình nghệ thuật đó.

Bởi thế, nhiều người không khỏi thấy ấm ức khi những hành vi đáng lên án như vậy xảy ra mà những thủ phạm không bị xử phạt, mặc dù quy định xử phạt đã có.

Cụ thể, theo điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP, những hành động vẽ bậy, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Mức phạt tăng tới 5-15 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị từ 4 triệu đến dưới 50 triệu đồng, và 30-40 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Được biết, hai công trình trên có giá trị tiền tỉ.

Ở một số quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore hay Thái Lan, những hành vi này không những bị phạt một số tiền lớn mà còn có thể bị phạt tù từ 3-5 năm.

Còn nhớ, tháng 11 năm ngoái, nhân viên của thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản phát hiện trên một phiến đá cổ có dòng chữ viết bằng tiếng Việt. Sự việc lan truyền nhanh trên mạng với nhiều lời chỉ trích hành vi thiếu ý thức này.

Đau lòng hơn, cư dân mạng còn nêu ra thêm nhiều vụ cho thấy người Việt Nam vẽ bậy khắp nơi chứ không chỉ vụ việc bị phát hiện ở Nhật. Chính quyền thành phố Yonago xác định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật và sở cảnh sát tỉnh Tottori đã mở cuộc điều tra để truy tìm thủ phạm. Theo luật thì thủ phạm có thể bị xử tù năm năm.

Đi đến những đền đài, chùa chiền, danh lam thắng cảnh trong nước cũng vậy, không khó để nhìn thấy những dấu vết từ những người muốn “khắc ghi ngàn đời” tên tuổi, tình yêu của họ lên cây, lên đá. Bản thân những du khách này nên biết rằng đó chỉ là những dấu khắc đáng xấu hổ vào tư cách, ý thức của mình.

Về phía cơ quan chức năng, đã đến lúc không thể du di cho các trường hợp cố ý viết, vẽ bậy - không chỉ là ở các tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật, mà cả ở nơi công cộng nói chung. Bên cạnh việc sử dụng các biện pháp xử phạt, chế tài, thì điều cần thiết hơn nữa là sự giáo dục nhân cách trong nhà trường, sự tuyên truyền ngoài xã hội về cách thức hành xử văn minh, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa...

Gần đây, nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng còn xuất hiện những bức tranh graffiti nhếch nhác trên các bức tường và tại các công trình. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cam kết tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp bôi bẩn làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị. Nhiều người hy vọng lãnh đạo thành phố này sẽ hành động thực sự chứ không nói suông. Đây cũng nên là hành động của các địa phương khác chứ không chỉ riêng Đà Nẵng.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288299/khong-the-coi-la-chuyen-nho.html