Không thể chấp nhận!

Đang là mùa của lễ hội, du xuân vãn cảnh nhưng trong và sau Tết, không ít địa phương đã để xảy ra tình trạng phản cảm, khó chấp nhận, thậm chí khiến dư luận phẫn nộ, bất bình như 'chặt chém' du khách tại một số nhà hàng ở Nha Trang; doanh nghiệp tự ý ngăn cả dòng suối là danh thắng của tỉnh Bình Thuận để bán vé, thu tiền; buộc người dân phải mua vé mới được vào vãn cảnh chùa Bà Đanh ở Hà Nam.

Thực tế đang tồn tại mâu thuẫn, nghịch lý trong chế tài, xử lý các hành vi phản cảm, trái với bản chất của văn hóa - du lịch khiến các hành vi này không những không được ngăn chặn, dập tắt mà còn có nguy cơ lan rộng.

Đỉnh đèo Hải Vân bị cát cứ, chiếm dụng. Ảnh: Thanh Tùng.

Đỉnh đèo Hải Vân bị cát cứ, chiếm dụng. Ảnh: Thanh Tùng.

Hầu hết các vụ nhà hàng, quán ăn “chặt chém” khách với giá trên trời, chỉ được cơ quan có trách nhiệm biết đến qua mạng xã hội và báo chí vào cuộc, phản ánh. Đơn cử như vụ nhà hàng Hưng Phát ở số 86/5 đường Trần Phú, TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, đêm 7/2 (mồng 3 Tết) xuất hóa đơn tính tiền 3 phần trứng xào cà chua lên đến 1,5 triệu đồng, 4 phần cơm trắng 800.000 đồng với tổng hóa đơn thanh toán lên đến 9,2 triệu đồng. Trong ngày 7/2, du khách cũng đăng tải lên mạng xã hội hóa đơn của nhà hàng Tháp Bà Làng Chài ở số 32 - 33 đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang món khổ qua (mướp đắng) xào, mồng tơi xào, su su xào với giá 250.000 đồng/đĩa; 400.000 đồng/1 phần cháo. Dù chỉ là bữa ăn thông thường với 14 món ăn cùng 10 chai bia nhưng tổng số tiền khách phải thanh toán cho nhà hàng này lên đến 16,5 triệu đồng!.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách ở TP biển Nha Trang vào các dịp lễ, Tết, tuy nhiên diễn biến của 2 vụ chặt chém du khách nêu trên cho thấy cấp, ngành quản lý ở TP này hoàn toàn bị động trong nắm bắt thông tin về các địa chỉ phục vụ du khách. Sau khi có phản ánh từ mạng xã hội và báo chí, cơ quan có trách nhiệm ở TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đã đến nhà hàng Hưng Phát để làm việc nhưng chỉ gặp bảo vệ bởi nhà hàng này liên tục thay đổi chủ, lần mới nhất là vào ngày 2/2 (28 Tết Kỷ Hợi). Việc xác minh, xử lý nhà hàng Hưng Phát cũng khó khăn vì phải kiểm tra lại giấy phép kinh doanh xác định ai là chủ nhà hàng.

Đến ngày 11/2, cơ quan Quản lý thị trường TP Nha Trang mới ra quyết định xử phạt nhà hàng Tháp Bà Làng Chài số tiền 750.000 đồng do không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ. Có thể thấy rằng, số tiền phạt quá nhỏ nhoi so với mất mát không gì bù đắp được về thương hiệu, uy tín của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa và TP biển Nha Trang - như cách mà dân gian vẫn gọi “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.

Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán, du khách đến với danh thắng Suối Tiên chảy qua xã Thiện Nghiệp và phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận có cảm giác như bị “trấn lột” khi bị một doanh nghiệp lập chốt bán vé thu tiền. Theo phản ánh, doanh nghiệp này tổ chức bán vé trong thời gian dài và khoản tiền thu từ bán vé lên đến hàng chục triệu đồng/ngày mà không có sự nhất trí của địa phương nơi dòng suối chảy qua. Đại diện Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định doanh nghiệp bán vé thu tiền đối với danh thắng Suối Tiên là sai nhưng không hiểu lý do gì tình trạng cát cứ thiên nhiên này vẫn tồn tại khiến dư luận bất bình.

Tình trạng cát cứ thiên nhiên và không gian công cộng trong mùa lễ hội, du xuân cũng xảy ra ở các địa phương có thắng cảnh, di tích nổi tiếng, trong đó có TP Đà Nẵng. Nhiều vị trí đẹp của hơn 15 km QL 1A phía Nam đèo Hải Vân bị người dân 2 phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cát cứ, chiếm dụng làm nơi buôn bán. Du khách qua lại dừng chân ngắm cảnh gần như bị cưỡng bức mua đồ giải khát, hàng lưu niệm. Ô tô chở khách vừa dừng ở đỉnh đèo đã bị chủ quán cầm cục chèn bằng gỗ chèn vào sau bánh xe buộc khách phải xuống xe ăn uống, mua hàng.

Không chỉ danh thắng, không gian công cộng bị chiếm dụng, cát cứ; những ngày qua, dư luận hết sức bất bình và lấy làm khó hiểu trước việc khách thập phương vãn cảnh di tích nổi tiếng chùa Bà Đanh ở xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam phải mua vé. Trong khi việc bán vé vãn cảnh chùa Bà Đanh có nguy cơ đưa ngôi chùa này trở về đúng với lời truyền khẩu dân gian xưa là “vắng như chùa Bà Đanh” thì tại Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng); Tết Kỷ Hợi, hơn 15.000 du khách đến đây cảm thấy mãn nguyện, thảnh thơi vì không phải chi tiền cho bất cứ loại phí nào. Việc thực tiêu chí 3 không (không thu phí, không hàng quán, không rác thải) của chính quyền địa phương và của Ban quản lý Khu di tích Bạch Đằng Giang từ nhiều năm nay, khiến nơi này trở nên gần gũi, thân quen, với mọi du khách mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Có thể thấy, việc trung thành với tiêu chí “3 không” của huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và của Ban quản lý Khu di tích Bạch Đằng Giang là hình mẫu cho mọi địa phương đang có lợi thế về du lịch, di tích, danh thắng. Để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách, cát cứ di tích, thắng cảnh, không gian công cộng vì lợi nhuận là lỗi của chính quyền địa phương và các cấp ngành quản lý. Thay vì đùn đẩy trách nhiệm; các ban, ngành địa phương có thể chọn cách làm hay nhất, tốt nhất để tránh tái diễn những hành vi, hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội, du xuân.

Dương Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/khong-the-chap-nhan-tintuc429629