'Không thể chấp nhận phụ huynh vào lớp đánh bé gái 2 tuổi'

TS Trần Thành Nam lên án hành vi đánh bé gái 2 tuổi của người đàn ông ở Lào Cai. Người này không nhận thức được hậu quả những việc mình làm.

Liên quan vụ việc nam phụ huynh giật tóc, đánh bé gái 2 tuổi tại trường Mầm non Trump Kids (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng hành vi đó là không thể chấp nhận được.

 Quá trình ông Hùng đánh trẻ được camera an ninh ghi lại. Ảnh cắt từ clip.

Quá trình ông Hùng đánh trẻ được camera an ninh ghi lại. Ảnh cắt từ clip.

Gây tổn thương cho cả cô và trò

Theo nội dung clip được chia sẻ trên mạng, thấy con gái bị B.A. (2 tuổi) cắn vào tay sau khi tranh giành đồ chơi, người đàn ông tên Hùng đã giật tóc, đánh bé gái nhiều lần ngay tại lớp học mầm non.

Theo TS Trần Thành Nam, hành vi của ông Hùng là không thể chấp nhận được. Người này không hiểu tâm lý trẻ, không nhận thức được hậu quả những việc mình làm.

Ở độ tuổi này, trẻ chưa thể nhìn nhận vụ việc bằng con mắt của người lớn. Việc trẻ tranh nhau đồ chơi xuất phát từ bản năng tự nhiên. Do nóng giận, không hiểu tâm lý con trẻ, nam phụ huynh đã trút giận lên cháu bé.

Điều đó có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý bé B.A., đồng thời gây ảnh hưởng đến giáo viên và những bé khác chứng kiến vụ việc, trong đó có con gái của ông Hùng.

TS Trần Thành Nam cũng cho rằng cộng đồng mạng không nên chỉ trích, trách móc hai cô giáo. Trong tình huống trên, hai cô rơi vào tình trạng bị động, yếu thế.

Nếu lúc đó hai cô can ngăn hoặc có xu hướng chống đối, người đàn ông kia có thể tức giận, khiến vụ việc nghiêm trọng hơn.

“Nếu xử lý không khéo, cô giáo và học sinh có thể bị đánh”, ông Nam nhận định.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ mâu thuẫn với bạn?

Theo TS Trần Thành Nam, ở độ tuổi mẫu giáo, kỹ năng về mặt ngôn ngữ của trẻ chưa hoàn thiện, chưa thể bày tỏ hết mong muốn bằng lời nói. Hơn nữa, trẻ muốn được chú ý nên có xu hướng gây gổ, tranh giành với bạn. Đây là những hành vi thường thấy ở trẻ 2-3 tuổi.

Phụ huynh cần tìm cách giải quyết phù hợp cho những vụ việc tương tự. Đây là cơ hội tốt để dạy trẻ kỹ năng hợp tác và giải quyết vấn đề. Qua đó, trẻ sẽ học được cách yêu thương, nhường nhịn, chia sẻ với người khác.

Ví dụ, trong trường hợp trên, phụ huynh có thể xoa dịu trẻ bằng cách chia thời gian chơi cho mỗi trẻ và quy định không được tranh nhau.

Nếu bị đánh, trẻ sẽ có tâm lý sợ hãi, thu mình và khó tham gia các hoạt động học tập. Thậm chí, trẻ có thể gặp ác mộng, ám ảnh với những việc đã trải qua, từ đó sinh ra hành vi chống đối, quậy phá, không muốn đến trường.

Ông Nam khuyên cha mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia, xem xét mức độ ảnh hưởng của vụ việc để tìm ra cách giải quyết phù hợp.

Trong thời điểm này, gia đình nên tạo môi trường an toàn cho trẻ. Cụ thể, trẻ cần được ở cạnh những người mà các bé tin tưởng. Họ có thể lắng nghe trẻ tâm sự.

Phụ huynh không nên đánh, mắng mà cần giải thích trẻ không có lỗi trong việc này. Nếu bé có tâm lý sợ đi học, cha mẹ cần tập cho các em quay lại trường. Ví dụ, cha mẹ cho con biết nhà trường đã có quy định mới, những người có hành vi bạo lực sẽ không được phép vào trường.

Thậm chí, phụ huynh có thể dành thời gian ghé thăm thường xuyên và đón trẻ sớm hơn. Điều này sẽ tạo cảm giác an toàn, các bé không sợ đi học nữa.

Gia đình hai bên cũng nên hòa giải, tránh dùng đến bạo lực, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ.

“Phụ huynh phải căn cứ tình trạng của con để xử lý, chỉ nói một hai câu không thể giải quyết được vấn đề”, ông Nam nêu quan điểm.

Đề xuất hướng giải quyết cho nhà trường

TS Trần Thành Nam nhấn mạnh trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là đề xuất quy định, cách thức đảm bảo an toàn cho trẻ. Họ cần tìm ra lỗ hổng thiếu an toàn trong trường học để xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Các cơ sở giáo dục có thể xây dựng cẩm nang về an toàn, trong đó đặt ra quy tắc ra - vào trường và tiếp xúc học sinh, giáo viên.

Hiện nay, nhiều trường mầm non quy định phụ huynh không được vào lớp, giáo viên là người đưa đón học sinh lúc vào và tan học. Trường Trump Kids nói riêng và các trường mầm non trên cả nước nói chung nên áp dụng biện pháp trên để tránh những vụ việc tương tự.

Bên cạnh đó, nhà trường cần đảm bảo an toàn cho các giáo viên. Ví dụ, trường học có thể bố trí không gian riêng để giáo viên và phụ huynh gặp mặt, làm việc. Tránh trường hợp phụ huynh vào lớp, gây ảnh hưởng trật tự và sự an toàn của trẻ.

Sau khi vụ việc được đăng tải, Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Ông Hùng bị triệu tập đến cơ quan chức năng làm việc. Hai giáo viên liên quan bị kỷ luật.

Tường Trump Kids quyết định tạm không nhận trông nom bé H.C.T., con của ông Hùng, cho đến khi công an giải quyết xong vụ việc.

Người đàn ông đánh bé gái 2 tuổi trước mặt cô giáo Biết chuyện B.A cắn tay con gái mình, ông Hùng đã giật tóc, đánh vào mặt và người của bé gái ngay tại trường mầm non.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-the-chap-nhan-phu-huynh-vao-lop-danh-be-gai-2-tuoi-post1137423.html