Không thể chấp nhận mãi sức ỳ

là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 2-7, khi đề cập tới những nguyên nhân dẫn tới sức ỳ ngày càng lớn tại nhiều đơn vị, địa phương, cản trở sự phát triển của đất nước. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra bốn nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ.

Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân. Đồng thời, Thủ tướng cho biết, bộ máy nhà nước đang tồn tại một bộ phận cán bộ “có cũng được, không có cũng được”.

Bệnh đã bắt trúng, giờ là lúc phải có “toa thuốc” đặc trị?

Sức ỳ từ chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường thấy rõ ở tư duy của không ít bộ, ngành, đơn vị, khi một bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ vẫn hành xử theo kiểu "ban phát", “xin - cho”. Một vài bộ chủ quản can thiệp quá sâu và không đúng thẩm quyền vào công việc của doanh nghiệp. Những quy định, giấy phép con vô lý tiếp tục được đưa ra một cách tinh vi. Trong khi kinh tế thị trường đòi hỏi vai trò quản lý nhà nước phải được nâng tầm nhưng trên thực tế, tình trạng “tranh công, đổ lỗi”, “đá bóng trách nhiệm” cũng còn không ít. Đây cũng là cái nôi sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm hoành hành.

Sức ỳ cải cách còn đến từ căn bệnh thờ ơ, xa dân, không chịu lắng nghe dân. Vì sao những vụ việc khiếu kiện kéo dài qua nhiều năm chưa được giải quyết triệt để? Việc tiếp dân, người được trao trọng trách đã thực hiện hết phận sự chưa? Vì sao việc gì cũng cố đẩy lên Chính phủ và đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo? Có tình trạng sợ gặp dân, né trả lời kiến nghị, thắc mắc của dân hay không?... Đó là những câu hỏi luôn nhức nhối trong suốt thời gian dài, cần sớm được xử lý.

Sức ỳ của cải cách còn đến từ bộ máy hành chính quá cồng kềnh nhưng việc tinh giản biên chế vẫn trong vòng luẩn quẩn. Đáng nói là tình trạng nhiều cán bộ, công chức chưa hiểu và chưa thực hiện đúng vị trí công việc của mình, dẫn tới hiệu quả làm việc luôn đạt thấp. Không hiếm trường hợp chưa thành thạo kỹ năng, thiếu tận tụy, khách quan trong giải quyết công việc, dẫn đến tình trạng cấp trên quyết liệt cải cách nhưng xuống đến dưới thì mọi thứ “nguyễn y vân” hoặc rất chậm biến chuyển.

Sức ỳ của cải cách còn do việc thực thi kỷ cương, phép nước chưa nghiêm, tham nhũng, tiêu cực nảy sinh ở đủ các lĩnh vực. Tham nhũng như những “chiếc vòi bạch tuộc” len lỏi vào đủ ngõ ngách của đời sống. Dù đã rất quyết tâm và làm quyết liệt, nhưng rõ ràng cuộc chiến chống giặc nội xâm còn đang đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn dân.

Suy cho cùng, sự trì trệ của nhiều đơn vị, địa phương thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó phần nhiều do yếu tố con người. Muốn sáng tạo, muốn cải cách không có cách gì khác ngoài việc thẳng tay loại bỏ những trường hợp không tận tụy với công việc. Yêu cầu của cải cách đòi hỏi phải hành động, nếu không tinh gọn được bộ máy, thì không thể tạo ra được sự liêm chính và rất khó khăn thực hiện mục tiêu kiến tạo.

Loại bỏ cơ bản số cán bộ “sáng cắp ô đi, tối vác ô về” cũng là liêm chính, kiến tạo và tạo ra nguồn động lực thúc đẩy đất nước phát triển. Có điều, việc loại đi những người thiếu năng lực không hề dễ, bởi thực tế, khi bình bầu cuối năm, tỷ lệ “ai cũng hoàn thành nhiệm vụ”, “cả làng cùng vui” vẫn chiếm đa số. Từ đây, nhiều cán bộ thiếu phẩm chất vẫn được đánh giá, đề bạt ở những vị trí cao hơn.

Không thể chấp nhận mãi sức ỳ!

Nhận thức được sức ỳ trong bộ máy hành chính và cần có giải pháp thay đổi, loại bớt một bộ phận cán bộ dù làm việc thì làng nhàng, "đi ra đi vào, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”, việc Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội là hoàn toàn chính xác.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 16-5-2018, được áp dụng trên toàn thành phố từ ngày 1-7-2018, được xem là giải pháp đột phá của Đảng bộ thành phố nhằm khắc phục tình trạng “cào bằng” trong đánh giá cán bộ lâu nay; là bước đi tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp thành phố sau khi Hà Nội đã thực hiện quyết liệt Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Đáng chú ý, trong Quyết định số 3814-QĐ/TU, Thành ủy nêu rõ: Tỷ lệ được đánh giá, xếp loại A không quá 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng được xếp loại. Trường hợp tập thể đơn vị có thành tích đặc biệt xuất sắc, nổi trội thì tỷ lệ cá nhân được đánh giá, xếp loại A cũng không nên vượt quá 40%...

Kết quả đánh giá, xếp loại hằng tháng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng là căn cứ để bình xét khen thưởng hằng tháng; là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua đối với công chức, viên chức, lao động hằng năm. Đây còn là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định và theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị…

Rõ ràng, làm tốt giải pháp về đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng, thuận lợi để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, cải cách chính sách tiền lương, thổi “luồng gió mới” vào các công sở, đánh giá đúng người tài, tiến tới loại bỏ những cá nhân yếu kém về chuyên môn nhưng vẫn ngày ngày bám rễ, trở thành lực cản của đơn vị, trực tiếp ảnh hưởng đến công tác quản lý khiến người dân, doanh nghiệp than phiền.

Xét cho cùng, giải phóng sức ỳ trong mỗi cá nhân, mở rộng hơn là cả hệ thống chính trị, đưa đất nước phát triển là một cuộc cách mạng dài lâu. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ thời gian qua đã rất gương mẫu thực hiện.

Vì thế, đây cũng là lúc người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới cần công tâm khi đánh giá, tuân thủ các quy định về tuyển dụng, đồng thời nhận thức thực sự đúng đắn về vai trò, chất lượng đội ngũ cán bộ để việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đề bạt cán bộ đạt hiệu quả, hướng tới đội ngũ công chức tinh nhuệ, đủ đức, đủ tài, tạo động lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Nhìn rộng hơn mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự tiền phong gương mẫu, đi đầu trong đổi mới, trong nêu gương khắc phục khó khăn vươn lên; nhất là chiến thắng sức ỳ của bản thân và trong tập thể.

Đan Nhiễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/907533/khong-the-chap-nhan-mai-suc-y