Không thể chần chừ

Chiếm chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp (DN), nhưng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước và đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng gần 30%. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần phát huy vai trò tác dụng của Ủy ban Quản lý vốn nhà

Ông Lưu Bích Hồ.

PV: Thưa ông, theo đúng lộ trình cổ phần hóa thì các DNNN phải thực hiện các quy chế hoạt động của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN vẫn nhận cơ chế xin cho từ các bộ, ngành, tạo ra những sự cạnh tranh không bình đẳng. Hay việc thoái vốn vẫn diễn ra chậm vì cơ quan chủ quản không muốn mất đi quyền quản lý DN của mình. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS Lưu Bích Hồ: Có nhiều ý cho rằng DNNN là “sân sau” của các bộ chủ quản, hay các ngành chủ quản. Các bộ, ngành đó dựa vào DNNN để có được lợi ích nhóm, đó là một thực tế đã kéo dài nhiều năm. Dù chúng ta đã tích cực đổi mới và cải cách nhưng vẫn chưa thay đổi được như yêu cầu và mong muốn. Thực tế trong một thời gian dài, DNNN tồn tại trong cơ chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp. Cho nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. Trong khi đó, môi trường đầu tư kinh doanh còn có phần chưa thật sự bình đẳng, DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi về một số mặt như đất đai, vốn. Chưa kể, nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, thua lỗ kéo dài không giải quyết được nên vẫn trông vào Nhà nước hỗ trợ và cơ chế “xin - cho”. Vì thế nhiều ý kiến mới nhìn nhận rằng cải cách DNNN vẫn còn nhiều lực cản, và chưa đạt được như yêu cầu đặt ra.

Hiện nay ở giai đoạn còn nhiều khó khăn tồn tại từ lâu trong nền kinh tế, nên ta phải cố gắng, phải hạn chế khó khăn về môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Cổ phần hóa (CPH) là chủ trương, chính sách đúng đắn nhất để có nhiều sở hữu khác tham gia, làm tăng hiệu quả quản trị DN, vì thế không thể chần chừ. Càng kéo dài thì giá trị DN sẽ giảm đi, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi nhanh như hiện nay thì tác động rất lớn tới hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh. Hiện nay CPH đang rất chậm, tôi xin lưu ý rằng nếu chúng ta không làm tốt thì rất khó thoát ra khỏi khó khăn hiện nay để tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn.

Ông nghĩ sao khi có một số ý kiến cho rằng trong quá trình CPH, chúng ta phải coi trọng vấn đề xử lý đất đai và không nên chỉ tập trung vào vấn đề lợi ích thu về sau CPH, mà nên quan tâm tới việc lựa chọn được các nhà đầu tư có chất lượng. Có như vậy về sau DN mới phát triển mạnh mẽ và thực sự thay đổi về chất?

- Đúng là trước đây có trường hợp giá trị của đất đai không vào ngân sách nhà nước mà nhiều khi bị chia đi chỗ khác. DNNN khi CPH phải tính toán, sắp xếp lại đất đai phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn dôi dư thì phải chuyển lại cho địa phương quản lý. Cho nên việc công khai minh bạch trong sắp xếp đất đai trước CPH là vấn đề quan trọng, có như vậy mới không để xảy ra những vụ việc phức tạp như trong thời gian qua. Đất đai là vấn đề đại sự, cho nên theo tôi, sắp tới Quốc hội nên xem xét lại quy định chuyển quyền sử dụng đất theo mục đích cho linh hoạt.

Chúng ta nên quy hoạch lại để sử dụng đất đai cho hợp lý, nhất là trong điều kiện đi dần vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vòng đời sản phẩm cũng như chu kỳ kinh doanh rút ngắn lại rất nhiều, vì thế doanh nghiệp không thể kinh doanh mãi một loại sản phẩm, nếu quy định cứng quá sẽ gây khó khăn cho các DN, làm cho DN không thể chủ động, linh hoạt trong phát triển các ngành nghề mới. Chính phủ cũng cần tính tới khuyến khích các loại cổ đông rộng rãi hơn để người dân tham gia đóng góp nhiều hơn, chứ không chỉ là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Như thế cũng sẽ góp phần tăng tính tự chủ của nền kinh tế đất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất chính là tính công khai, minh bạch bởi đây là điều kiện cần thiết nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, muốn phát triển phải có sự bình đẳng đối với các thành phần DN. Nhưng làm sao để tính công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định pháp luật là yêu cầu bắt buộc mà DN phải thực hiện chứ không phải là hình thức, thưa ông?

- Trong nền kinh tế thị trường dứt khoát DN phải công khai minh bạch, và nói chung phải lên sàn. Hiện nhiều DN CPH xong đã niêm yết và phát huy hiệu quả. Chúng ta cần khuyến khích thúc đẩy việc lên sàn của các DN. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là phát huy vai trò tác tác dụng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, theo tôi đó là giải pháp thiết thực nhất, chứ để mãi ở các bộ, trong khi các bộ lo nhiều việc nên cũng phân tán. Cho nên bây giờ có Ủy ban này thì cần giao ngay nhiệm vụ cho Ủy ban để thúc đẩy, vì hiện đang còn 18 tổng công ty, tập đoàn lớn với khối lượng vốn rất lớn cần CPH. Trong đó có tổng công ty, tập đoàn thuận lợi nhưng cũng có nơi có nhiều khó khăn, vướng mắc, cho nên phải tập trung gỡ “bí” cho các tập đoàn, tổng công ty. Việc DNNN cung cấp thông tin mập mờ, không làm đúng quy định là căn bệnh cố hữu của DNNN. Cho nên lần này nếu không minh bạch thì CPH và cải cách quản trị sẽ không thành công.

Một điều cần lưu ý nữa là Ủy ban này ra đời phải tập trung vào quản lý được vốn, không vừa đá bóng vừa thổi còi như một số bộ, ngành trước đây. Giao quyền là quan trọng nhưng khi có quyền phải thực hiện cho tốt, công khai và minh bạch, như thế mới đẩy nhanh được. Mới đây tại Đại hội công đoàn lần thứ XII, nói chuyện với các đại biểu công đoàn, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và các Bộ trưởng cũng nói nhiều đến vấn đề phải có tinh thần tích cực vươn lên và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa của các DN.

Trong mọi hoạt động, DNNN phải tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,... Ở nước ta, việc thi hành và tuân thủ luật pháp còn yếu do đó cần phải kiên quyết khắc phục tình trạng không làm theo luật. Không chỉ doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này, dứt khoát chấm dứt cơ chế xin - cho vì xin - cho thể hiện không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng. Cần kiên quyết thực hiện theo cơ chế thị trường, dân chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc giải quyết những yếu kém của DNNN và trong việc thực hiện CPH. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải chấp hành đúng theo yêu cầu này.

Nếu không thực hiện thì cần có những giải pháp để xử lý, chẳng hạn, như Thủ tướng đã nói những ai chịu trách nhiệm mà không làm được thì nên đứng sang một bên.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/khong-the-chan-chu-tintuc418545