'Không thể 'cậy' sức người mà quên cơ giới hóa nông nghiệp'

Đó là ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp tại hội thảo về hiệu quả của cơ giới hóa nông nghiệp được tổ chức sáng 20.7 tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình cánh đồng mẫu lớn và chất lượng nông sản yêu cầu phải ứng dụng máy móc hiện đại, phù hợp.

CGHNN là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ảnh: Kh.V

Theo Bộ NNPTNT, nhằm cải tiến kỹ thuật canh tác và tăng hiệu quả kinh tế, Chính phủ đã ban hành mục tiêu cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp (NN). Sau hơn 10 năm triển khai và thực hiện, đến nay CGHNN đã phát triển nhanh về số lượng, giảm bớt hình thức lao động thủ công nặng nhọc, tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang phát triển những cánh đồng mẫu lớn, CGHNN đang là vấn đề “nóng” được nông dân quan tâm. Chương trình CGHNN đã được các cấp địa phương và bà con nông dân hưởng ứng mạnh mẽ.

Các loại máy móc nông nghiệp hiện đại như: Máy gặt đập liên hợp, máy cày đất, máy cấy lúa… được bà con nhanh chóng đưa vào đồng ruộng. Qua hơn 10 năm áp dụng, CGH đã bộc lộ nhiều điểm ưu việt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ CGH trong NN ở nước ta chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. Chỉ tính riêng tại ĐBSCL, vùng sản xuất NN có tỉ lệ cơ giới hóa cao nhất nước, khâu làm đất đạt 90%; khâu thu hoạch đạt khoảng 80%, các khâu như gieo sạ, cấy, làm cỏ và phun thuốc mức độ cơ giới hóa cao nhất cả nước.

Nhưng, tại các địa phương có diện tích lúa nhỏ, nhất là các tỉnh vùng trung du và miền núi, tỉ lệ CGH chưa cao do nông dân có thói quen canh tác lạc hậu và máy móc chưa phù hợp với điều kiện đất đai. So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam là nước có tỉ lệ cơ giới hóa nông nghiệp thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 Thái Lan; 1/4 Hàn Quốc và 1/6 Trung Quốc…

Theo ông Brian Kim - Trưởng đại diện Văn phòng Myanmar - Cty Công nghiệp Daedong, việc đẩy mạnh CGH trong sản xuất NN sẽ giúp nông dân đỡ vất vả hơn, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn. Việt Nam là quốc gia đứng nhất nhì thế giới trong xuất khẩu lúa gạo và nhiều sản phẩm NN khác thì vấn đề CGHNN cần được đặc biệt quan tâm để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí nhân công nhằm giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh.

Nhằm hỗ trợ nông dân và phù hợp với đều kiện canh tác của Việt Nam, các sản phẩm chủ đạo được đưa vào thị trường nước ta là các loại máy kéo, máy gặt đập liên hợp, máy cấy với nhiều chủng loại và công suất để phù hợp với nhiều địa phương, đặc biệt đáp ứng với các cánh đồng mẫu lớn tại khu vực ĐBSCL.

Hải Yến

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/khong-the-cay-suc-nguoi-ma-quen-co-gioi-hoa-nong-nghiep-619979.ldo