Không thể biện minh...

Hồi đầu năm, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, khẩu trang, nước sát khuẩn... là những mặt hàng bị đẩy giá lên cao kiểu 'té nước theo mưa', bất chấp các cơ quan chức năng từ khuyến cáo...

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Nay, khi “khúc ruột miền Trung” đang phải hứng chịu đợt lũ lịch sử thì đến lượt áo phao “có biểu hiện” găm hàng, tăng giá. Cụ thể, thông tin trên một tờ báo cho biết, nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ ở Hà Nội liên tục thông báo “cháy hàng” do lượng khách mua tăng đột biến. Khách muốn mua phải chờ 1 - 2 ngày mới có hàng với mức giá tăng gấp đôi so với ngày thường. “Giờ có muốn mua thì cả phố này cũng không có, vì chúng tôi lấy chung nguồn hàng. Nhà tôi không lấy được thì nhà khác cũng chẳng lấy được” - chủ một cửa hàng bán áo phao ở phố Trịnh Hoài Đức, Hà Nội nhấn mạnh.

“Phản ứng” về việc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngay khi xảy ra lũ, tổng cục đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá, nhất là với các loại thực phẩm, đồ ăn, nước uống, áo phòng hộ, đồ cứu nạn... Tổng cục đã yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh xảy ra lũ lụt phải tìm các biện pháp để bình ổn giá cả và bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho người dân, không vì lũ lụt mà tăng giá, gây khó khăn cho người dân vùng lũ...

Áo phao cứu sinh với người dân vùng lũ vốn dĩ đã quan trọng. Với người dân miền Trung hiện nay lại càng đặc biệt quan trọng. Áo phao lúc này không chỉ đơn thuần là hàng hóa mà hơn thế có thể còn là nơi “níu giữ” tính mạng con người; những chiếc áo phao được quyên góp chuyển đến vùng lũ là tấm lòng, là tình người gửi gắm. Dù hiện nay, việc găm hàng, tăng giá mới chỉ là nghi vấn, nhưng thực tâm vẫn mong đây là quy luật thông thường của thị trường: Do nhu cầu quá cao khiến nguồn cung không đủ, không hề có chuyện găm hàng, tăng giá...

Về lý, theo Điểm b, Khoản 5, Điều 12, Luật Giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá. Với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết. Như vậy, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áo phao cứu sinh có quyền định giá bán nhưng có nghĩa vụ phải niêm yết giá bán và không được bán cao hơn giá bán đã niêm yết. Trường hợp vi phạm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 5, Điều 3, và Khoản 3, Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ - CP. Bởi vậy, trong bối cảnh lũ lụt ở miền Trung đang cực kỳ căng thẳng như hiện nay, việc găm hàng, tăng giá để trục lợi là điều không thể chấp nhận, đáng bị lên án về mặt đạo đức và phải bị xử lý bởi những quy định của pháp luật.

Đến nay, chưa thể thống kê được thiệt hại về người và tài sản. Không chỉ thế, khó khăn càng chồng chất khi những yếu tố bất lợi về thời tiết được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra. Đã có hàng nghìn, hàng vạn tấm lòng của đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài chung tay, góp sức nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung. Sẽ rất khó biện minh cho những “biểu hiệu trục lợi”. Cần thiết phải xử lý nghiêm các thương lái găm hàng, đẩy giá áo phao - khẳng định của Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình. Và cũng rất mong Tổng cục Quản lý Thị trường và các đơn vị chức năng xử lý thật sự chứ đừng nói rồi để đấy như một thứ phản ứng luôn xuất hiện trên truyền thông mỗi khi cần.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/khong-the-bien-minh-f3VHZOtMg.html