Không thể biện minh cho bạo lực, cướp bóc

Như 'giọt nước tràn ly', cái chết của người đàn ông da mầu G.Floyd đã khơi lại cơn phẫn nộ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, thổi bùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Song, ở một số nơi, biểu tình lại đi kèm những hành vi bạo lực, cướp bóc và phá hủy các di sản văn hóa, lịch sử.

Như “giọt nước tràn ly”, cái chết của người đàn ông da mầu G.Floyd đã khơi lại cơn phẫn nộ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, thổi bùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Song, ở một số nơi, biểu tình lại đi kèm những hành vi bạo lực, cướp bóc và phá hủy các di sản văn hóa, lịch sử.

Hôm 20-6, bức tượng tướng A.Pike ở thủ đô Washington bị hạ đổ trong một cuộc biểu tình. Hàng chục người dùng dây thừng kéo sập và thiêu rụi bức tượng, trong khi hô vang khẩu hiệu đòi quyền bình đẳng cho người da mầu. Trước đó, một số bức tượng về các nhân vật lịch sử và chế độ nô lệ bị phá hoại tại nhiều nơi ở Mỹ.

Tại châu Âu, nhiều cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc biến thành bạo loạn và phá hoại. Tượng cựu Thủ tướng Anh W.Churchill cũng bị “tiến công”. Nhiều nhóm biểu tình quá khích còn đòi dỡ bỏ tất cả tượng các nhân vật được cho là liên quan chế độ nô lệ trong quá khứ.

Bày tỏ giận dữ trên Twitter, Tổng thống Mỹ D.Trump đòi bắt và trừng phạt những người kéo sập tượng tướng A.Pike. Thủ tướng Anh B.Johnson chỉ rõ, hành vi xâm phạm tượng do những kẻ cực đoan giật dây, nhằm hủy hoại quá khứ. Tổng thống Pháp E.Macron cảnh báo, việc chống phân biệt chủng tộc không thể được biện minh bằng hành vi “viết lại lịch sử” một cách thù hằn!

Thế giới không quên và vẫn nỗ lực vượt qua hệ lụy từ giai đoạn lịch sử đen tối từng đẩy người da mầu xuống đáy xã hội. Song, những hành vi nhân danh chống phân biệt chủng tộc bị biến tướng cần bị lên án!

LONG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/chuyen-thoi-su/item/44934802-khong-the-bien-minh-cho-bao-luc-cuop-boc.html