Không thấy mặt trời

Hôm qua có rất nhiều tờ báo đăng bài viết phản ánh nỗi vất vả của các cán bộ in sao đề thi THPT, với cái tít '14 ngày không thấy mặt trời'.

Một cái tít cho thấy sự ngặt nghèo của cuộc thi, từ yêu cầu giữ bí mật đề. Khi đọc cái tít này, tôi hình dung đến một khía cạnh khác của cái sự “không thấy mặt trời” của giáo dục Việt Nam.

Tại sao cuộc thi THPT lại ngặt nghèo đến như thế, khi mà bản chất của hai từ “phổ thông” là điều ai cũng rõ? Về lý thuyết, khi học sinh đủ điều kiện dự thi, nghĩa là đã hoàn thành chương trình học, và việc phải trải qua một kỳ thi để chính thức tốt nghiệp là không cần thiết.

Nhưng một cuộc thi, khiến các cán bộ phục vụ phải “14 ngày không thấy mặt trời” chỉ để in sao đề, khiến hàng triệu học sinh phải cắm đầu học tủ, hàng trăm ngàn gia đình mất ăn mất ngủ… vẫn cứ diễn ra hàng năm, để xác định lại cái kết quả 3 năm học tập mà lũ trẻ đã hoàn thành.

Đó là một sự phi lý xuất phát từ việc kết quả học tập hàng năm dưới mái trường THPT không đáng tin cậy. Bởi nếu như kết quả học tập trong 3 năm THPT đáng tin cậy, thì đương nhiên lũ trẻ đủ điều kiện tốt nghiệp.

Đề thi THPT quốc gia luôn được bảo mật kỹ lưỡng.

Kỳ thi THPT hiện nay, ngoài việc xác định tốt nghiệp, còn được lồng ghép thêm nhiệm vụ làm cơ sở đầu vào cho các trường đại học.Tuy nhiên, chủ trương trao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường đại học đã được thúc đẩy từ nhiều năm nay. Hiện tại, ngưỡng điểm sàn đầu vào cũng đã được các trường tự quyết định. Vì thế, ý nghĩa của điểm thi tốt nghiệp THPT không còn quá quan trọng.

Nhưng, cái sự ngặt nghèo khiến các cán bộ in sao đề “14 ngày không thấy mặt trời” lại cho thấy một sự thật khác, không giống như hình dung về chủ trương tự chủ.

“Không thấy mặt trời” không chỉ là câu chuyện của những cán bộ in sao đề thi. Đó là câu chuyện của một nền giáo dục không tìm thấy hướng đi rõ ràng cho những chính sách kiểm soát chất lượng chồng chéo, nhưng không hiệu quả. Tổ chức cả một cuộc thi tốn kém sức người, sức của, chỉ để xác định lại tính chính xác của cả một quá trình vốn dĩ đã có đầy đủ các cơ chế sát hạch.

Các cơ chế sát hạch chất lượng đào tạo THPT ở nước ta đã đủ mạnh hay chưa? Mỗi một năm học, học sinh đều phải trải qua 2 kỳ thi học kỳ, với các mức độ kiểm tra từ ngắn (15 phút) đến dài (45 phút) cho từng môn học. Cơ chế đó, về lý thuyết, chặt chẽ hơn rất nhiều so với các trường THCS tại Mỹ - một nền giáo dục mà mọi gia đình có điều kiện tại Việt Nam đều mơ ước cho con em mình theo học.

Tại Mỹ phần lớn các bang không có kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đánh giá học sinh được thực hiện bằng các kỳ sát hạch (3 tháng/lần). Học sinh học xong THPT có thể đăng ký vào các trường đại học bằng hồ sơ năng lực của mình, dựa trên kết quả các kỳ sát hạch ở bậc THPT, và bài luận về nguyện vọng vào trường đó. Mấu chốt của vấn đề là sự khác biệt và mức độ tin cậy đối với các kỳ sát hạch của nhà trường.

Cả nước có gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 (ảnh minh họa).

Như vậy, nếu như kết quả học tập của học sinh được đánh giá qua mỗi học kỳ thực sự đáng tin cậy, sẽ chẳng có ai phải “14 ngày không thấy mặt trời”. Nhưng để kết quả học tập của học sinh được đánh giá chính xác, người ta phải quên đi cái áp lực trở thành những ngôi trường có tỷ lệ học sinh giỏi áp đảo mỗi năm, quên đi thành tích không có học sinh kém, học sinh phải lưu ban.

Những con số thành tích trong báo cáo, giống như một đám mây mù che phủ kết quả học tập thực tế của học sinh, khiến cho các kỳ thi học kỳ trở nên vô nghĩa. Vì thế, mà một kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn buộc phải diễn ra, khiến cho các cán bộ in sao đề “14 ngày không thấy mặt trời”, và cuộc thi ấy, kết quả luôn trên 90% tốt nghiệp.

Phạm Trung Tuyến

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-da-trong/khong-thay-mat-troi-885408.html