Không 'thả nổi' việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã ban hành thông tư điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, điểm đáng chú ý là học sinh được sử dụng điện thoại di động phục vụ mục đích học tập khi có sự cho phép của giáo viên, bắt đầu áp dụng thực hiện từ ngày 1-11-2020 gây nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã ban hành thông tư điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, điểm đáng chú ý là học sinh được sử dụng điện thoại di động phục vụ mục đích học tập khi có sự cho phép của giáo viên, bắt đầu áp dụng thực hiện từ ngày 1-11-2020 gây nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.

Băn khoăn cách thức thực hiện

Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đã và đang thu hút sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và các trường. Trái ngược với sự hào hứng của phần lớn học sinh, nhiều thầy giáo, cô giáo bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trong việc quản lý khi cho học sinh sử dụng điện thoại. Em Nguyễn Lê Nhật Minh, lớp 9E, Trường THCS Liên Bảo (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, bản thân chưa có điện thoại, bố, mẹ cũng chưa cho phép sử dụng. Tuy nhiên, nếu được sử dụng điện thoại, học sinh tiếp thu được kiến thức sâu rộng mà trong sách giáo khoa không đề cập hết được. Cùng suy nghĩ, em Bạch Châu Giang (cùng lớp 9E) cho rằng, nếu biết sử dụng điện thoại một cách khoa học sẽ dễ dàng tìm kiếm thông tin, học tập hiệu quả hơn. Thí dụ môn Lịch sử, nếu muốn tra cứu thông tin về mốc thời gian không được cung cấp trong sách giáo khoa, em có thể sử dụng điện thoại tra cứu, viết vào sổ tay để ghi nhớ. "Em đã xin bố, mẹ mua điện thoại phục vụ mục đích học tập. Trong khi mẹ phản đối vì cho rằng, đọc sách hiệu quả hơn thì bố lại ủng hộ sử dụng điện thoại để khai thác tư liệu, học liệu phong phú trên mạng", Giang chia sẻ.

Bên cạnh việc ủng hộ sử dụng điện thoại, nhiều học sinh cũng cho rằng, nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học tập. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thông minh trong giờ học, có tính hai mặt. Về mặt tích cực, giáo viên và học sinh tiếp cận được nhiều kiến thức hơn, kết nối được nhiều hơn và tạo cảm hứng cho học sinh nhiều hơn. Còn mặt hạn chế, các em có thể lợi dụng việc sử dụng điện thoại để chơi, nhắn tin trên mạng xã hội, hoặc thực hiện các hành vi không được phép...

Theo điều lệ trường học như trên quy định, giáo viên phải có biện pháp quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động đúng mục đích. Tuy nhiên, với sĩ số học sinh trên lớp đông, việc quản lý không đơn giản nếu như chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức, ý thức của người học. Bày tỏ những băn khoăn, thầy giáo Hoàng Mạnh Du, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) cho biết, thời gian tới, nhà trường sẽ họp theo hướng lấy ý kiến đóng góp của các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh học sinh để thống nhất tinh thần, cách thức sử dụng điện thoại. Có thể trong một tiết, học sinh chỉ được sử dụng ở thời điểm nào chứ không phải sử dụng trong cả tiết học.

Ðối với những tiết dạy thực hành hoặc trong thời điểm giáo viên đồng ý cho học sinh truy cập tham khảo thông tin trên mạng, trả lời cho bài học, sau đó cần yêu cầu học sinh tắt, cất máy để tập trung việc học, nghe giảng. Ðể làm tốt việc này, Bộ GD và ÐT cần sớm có hướng dẫn chi tiết về cách thức sử dụng điện thoại trong lớp học. Trong khi đó, thầy giáo Dương Thanh Hùng, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng) nêu quan điểm, không phải học sinh nào cũng vâng lời và thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên. Có thể nhiều em sử dụng điện thoại nhắn tin, truy cập những trang mạng ngoài nội dung học tập. Chưa kể đến việc học sinh có thể sử dụng điện thoại hay thiết bị thông minh để "quay lén", phát tán những nội dung không lành mạnh, hay cắt cúp các nội dung bài giảng không có tính lô-gích đưa lên mạng...

Xây dựng hướng dẫn cụ thể

Theo các chuyên gia giáo dục, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn trong quá trình dạy, học ở trường phổ thông. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, chương trình giáo dục đang được thực hiện theo hướng mở, cho nên cần phát triển khả năng tự học, tạo điều kiện để các em kết nối, khai thác nguồn tư liệu phục vụ việc học tập tốt hơn.

Tuy nhiên, giữa việc sử dụng điện thoại để tự giác trong việc học với việc lợi dụng để sử dụng không đúng mục đích là rất mong manh. Vì vậy, cần giúp học sinh nhận thức được việc dùng công nghệ, thiết bị có thuận lợi, ưu điểm, hạn chế, để các em tự đưa ra giải pháp ngăn chặn, phát huy chứ không nên cấm đoán. Nhà trường cần tập huấn giáo viên, có kỹ năng sư phạm; hỗ trợ giáo viên có phần mềm kiểm soát giao bài tập, kiểm tra bài tập, quản lý thời gian...

TS Tôn Quang Cường (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đã đến lúc nên chuyển từ tư duy "nên hay không" sang "làm thế nào để quản lý" đối với việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp học. Ðiện thoại thông minh là thiết bị đa năng, tích hợp nhiều giải pháp ứng dụng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Dạy học thông qua điện thoại di động đang là xu hướng dần chiếm lĩnh, phổ biến trong thực tiễn chuyển đổi số ở các quốc gia, đáp ứng các nhu cầu học tập khác nhau, dạy học cá thể hóa cao độ, khả năng tiếp cận học liệu số, không gian học tập không giới hạn, phát triển kỹ năng số cho người học…

Trong hơn 10 năm qua, xu hướng dạy học cho phép sự hỗ trợ, tích hợp sử dụng của thiết bị di động trong lớp học khá phổ biến trên thế giới.

Ðể quản lý tốt việc sử dụng điện thoại trong hoạt động dạy học, cần xác định mục đích, nội dung rõ ràng, kèm theo quy định và nguyên tắc sử dụng, được báo trước cho tất cả các bên, kể cả phụ huynh học sinh. Mặt khác, cũng có thể là những giải pháp để quản lý như ứng dụng hệ thống hỗ trợ quản lý, cảnh báo và ngăn chặn truy cập sai mục đích. Trước mắt, Bộ GD và ÐT có thể lên danh mục gợi ý các ứng dụng di động sử dụng thiết bị cầm tay trong lớp học, để nhà trường, giáo viên lựa chọn, sử dụng phù hợp với yêu cầu tổ chức hoạt động dạy học và năng lực sử dụng công nghệ. Ðồng thời, hướng dẫn học sinh, phụ huynh về các yêu cầu sử dụng điện thoại và các ứng dụng trong quá trình học tập.

Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, quy định được đưa ra để giáo viên không bị hạn chế về việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh như một phương tiện để hỗ trợ học tập. Các em chỉ được sử dụng điện thoại khi giáo viên thấy thật sự cần thiết và cho phép. Sắp tới, Bộ GD và ÐT sẽ ban hành hướng dẫn để sử dụng điện thoại trong lớp học, phối hợp với các đơn vị liên quan có chuyên môn về công nghệ thông tin nhằm kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong lớp học, mục tiêu là chỉ phục vụ việc học...

QUÝ TÙNG, TIẾN ĐỨC và ANH ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/khong-tha-noi-viec-cho-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-gio-hoc-619548/