Không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021: Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và giảm nguy cơ mất việc làm

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận và trả lương cho người lao động. Có ít nhất 18 triệu lao động hợp đồng chịu tác động trực tiếp, gián tiếp là 50 triệu mỗi khi thay đổi mức lương này.

Ảnh minh họa.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định trình Chính phủ đề xuất không tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Như vậy, lần đầu tiên sau 25 năm, lương tối thiểu vùng không điều chỉnh tăng.

Đây là kết quả làm việc của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 5/8 trong phiên họp lần thứ 2 bàn về mứ,c đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2021.

Tại phiên họp, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu với 2 phương án:

- Phương án 1: không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

- Phương án 2: từ 1-7-2021 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2,5%.

Trong đó, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ phương án 2 và đề xuất tới đầu quý I hoặc quý II năm 2021, sẽ căn cứ tình hình thực tế để bàn tiếp.

Trong khi đại diện người sử dụng lao động VCCI ủng hộ phương án 1 với quan điểm nhiều ngành sản xuất đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động và kiến nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vào năm tới nhằm tạo cơ hội cho doanh hồi phục.

Hội đồng đã quyết định bỏ phiếu để chốt phương án, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động từ chối bỏ phiếu.

Kết quả, 9/13 phiếu đồng thuận với phương án 1, Hội đồng đã quyết định không tăng lương tối thiểu năm 2021.

Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ giữ nguyên như năm 2020, cụ thể: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.

Chia sẻ về kết quả bỏ phiếu với báo chí bên lề phiên họp, Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Cơ bản thống nhất không điều chỉnh tiền lương năm 2021, tuy vậy phía Liên đoàn Lao động cũng đề xuất 1 số phương án tăng lương và điều chỉnh lương tăng theo hướng tăng đến tháng 7/2021 hoặc đầu năm 2021 theo 2 mức khác nhau.Qua đánh giá bỏ phiếu, kết quả bỏ phiếu 9/13 người tham dự chọn phương án 1, vẫn đảm bảo được nguyên tắc đồng thuận, còn những phương án nào tốt nhất quyền quyết định là của Chính phủ".

Điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên sẽ làm tăng nguy cơ mất việc nhiều hơn

Đánh giá về quyết định không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động, Bộ Thương binh và Xã hội bình luận đây là quyết định hợp lý.

Bà Hương cũng cho biết việc không tăng lương tối thiểu vùng chắc chắn sẽ có tác động đến người lao động và doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên VTV, bà Hương nói: "Trước nhất nếu đứng về quyền lợi của người lao động thì chúng ta phải phân biệt giữa 2 nhóm người lao động, 1 là nhóm những người lao động có việc làm sẽ được bảo đảm trong thời tới, chỉ số giá sinh hoạt tăng 1 chút khoảng 4% thì có vẻ nhóm người lao động này cũng bị thiệt một chút. Nhưng quan trong là với nhóm lao động thứ 2 là nhóm có nguy cơ mất việc trong thời gian tới, thì việc điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên sẽ làm tăng nguy cơ mất việc của họ nhiều hơn."

Làm rõ hơn về việc này, bà Hương lý giải thêm, đối với doanh nghiệp khi điều chỉnh lương tối thiểu nó không những liên quan đến chi phí sử dụng lao động, mà còn liên quan đến tất cả các khoản đóng góp của doanh nghiệp và các chi phí khác. Trong hoàn cảnh hầu hết doanh nghiệp đang vật lộn với việc tăng trưởng kinh tế và bảo đảm giữ được doanh nghiệp hoạt động, giữ việc làm cho người lao động thì việc điều chỉnh không tăng lương tối thiểu như 1 giải pháp để người lao động chung tay với doanh nghiệp.

Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Chương VI, Điều 91 và 92 có quy định:

Điều 91. Mức lương tối thiểu

1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Điều 92. Hội đồng tiền lương quốc gia

1. Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động.

2. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập.

3. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.

N. NGA

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//viec-lam/khong-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2021-chia-se-kho-khan-voi-doanh-nghiep-va-giam-nguy-co-mat-viec-lam-3549735.html