Không tách bạch được vốn, nhà đầu tư sẽ e ngại tham gia dự án PPP

'Nếu không tách bạch được phần vốn Nhà nước đầu tư, nhà đầu tư tư nhân sẽ không chỉ chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật chuyên ngành... mà còn phải tuân thủ các quy định của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... cũng như trách nhiệm giải trình với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, tạo tâm lý e ngại khi tham gia vào dự án PPP'.

Đây là nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh khi trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác (PPP) trước Quốc hội ngày 11-11.

Từ thực trạng kể trên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn trong dự thảo Luật hạng mục đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công. Hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư thông thường. Tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như cần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát các dự án PPP.

“Vốn Nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: “Dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân”. (Ảnh: T.Hải)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: “Dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân”. (Ảnh: T.Hải)

Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác (PPP), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Xuất phát từ một số bất cập trong thực tiễn giai đoạn vừa qua về việc bố trí, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, đặc biệt là nội dung quyết toán, kiểm toán khi dự án PPP sử dụng hỗn hợp vốn Nhà nước và vốn của nhà đầu tư, có ý kiến cho rằng cần phân tách rõ phần “vốn công” và phần “vốn tư” để thuận lợi cho công tác quản lý, hậu kiểm.

Theo đó, Dự thảo Luật (khoản 5 Điều 65) quy định 2 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, cụ thể: 1/Tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; 2/ Giải ngân cho DN dự án PPP theo hạng mục cụ thể với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước để thuận tiện quản lý).

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997. Đến nay đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Những dự án PPP trong thời qua đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước. Các yếu tố này đã góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Trong bối cảnh này, việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-tach-bach-duoc-von-nha-dau-tu-se-e-ngai-tham-gia-du-an-ppp-169586.html