'Không sao đâu' - lời an ủi phù phiếm và vô ích?

Với người đang buồn bã, tuyệt vọng, dù là điều duy nhất có thể nghĩ tới, chúng ta không nên chỉ buông lời an ủi: 'Không sao cả, mọi thứ sẽ ổn thôi'.

Mỗi ngày lướt mạng xã hội, ai cũng dễ dàng bắt gặp những dòng tâm sự chán chường, nuối tiếc, thậm chí khủng hoảng của những người xung quanh.

Từ một cô gái bất ngờ thay ảnh đại diện sang màu đen ảm đạm, chàng trai buông status “than thân trách phận” khi lần thứ 3 thi rớt, đến người phụ nữ vốn được ngưỡng mộ với cuộc sống viên mãn bất ngờ đăng đàn chuyện ly hôn do chồng ngoại tình…

Theo phản xạ, nhiều người sẽ "auto" buông lời an ủi: “Không sao đâu”, “Cố lên”, “Rồi sẽ ổn thôi”.

Dường như đó là câu đầu tiên, hoặc duy nhất, họ có thể nghĩ tới để xoa dịu vết thương trong lòng người khác. Nhưng chẳng chuyện nào ổn sau câu nói đó. Nhiều điều tệ hại vẫn cứ xảy ra.

“Không sao đâu”, “Rồi sẽ ổn thôi” có phải lời khuyên đúng đắn cho những ai đang lâm vào tuyệt vọng? Khi thấy người xung quanh buồn bã hay thậm chí trầm cảm, chúng ta nên làm gì thay vì một câu nói ai cũng dễ dàng thốt ra?

Trong bài I’m Not Going To Tell You It Will Be Okay (tạm dịch: Tôi không nói với bạn rằng sẽ ổn thôi) đăng trên HuffPost, tác giả Stephenie Zamora cho rằng “Mọi thứ sẽ ổn mà”, “Chuyện gì cũng sẽ được giải quyết” là điều người ta nói với nhau khi không tìm được lời nào khác.

“Sự thật là chúng không giúp được gì cho người đang buồn, thậm chí khiến tâm trạng tệ đi. Bởi dù biết chuyện sẽ ổn vào một lúc nào đó sau này, hiện tại nó không hề ổn”, bà viết.

Stephenie Zamora chắc chắn không phải người duy nhất thấy sự bất lực của những lời an ủi đó.

'Không sao đâu' chỉ là liều thuốc tạm thời?

Công ty làm ăn thua lỗ, Hồng Nhung (27 tuổi) bật khóc khi có tên trong danh sách cắt giảm nhân viên. Nhiều người xung quanh khuyên cô đừng buồn, còn trẻ không làm việc này thì kiếm việc khác.

Kinh doanh online thất bại, Nhung ôm khoản nợ không nhỏ, ngày ngày tự trách móc mình. “Không sao”, “Mọi chuyện sẽ ổn” vẫn là lời động viên cô nhận được nhiều nhất.

“Tôi chẳng thấy khá hơn chút nào khi nghe những lời đó”, Nhung nói.

Với cô, chúng có tính khuôn mẫu giống như vào ngày “sinh thần” của ai đó, người ta thường nói “chúc mừng sinh nhật”, tri ân nói “cảm ơn”, làm sai nói “xin lỗi”... Tuy nhiên, lời an ủi “Không sao đâu” khác ở chỗ không đem lại cảm xúc tích cực.

“Nếu mọi thứ ‘ổn’, tại sao tôi vẫn cảm thấy quá nhiều đau đớn? Nếu ‘không sao đâu’, lý do gì tôi ngày càng chìm sâu trong tuyệt vọng? Có ai nói phải làm gì để hết đau lòng?”, Nhung nói.

Với Đinh Phương (23 tuổi), mất đi tình bạn từ thuở ấu thơ là điều đau lòng.

Phương kể ngày ra nhập học ở Hà Nội, hai người “lóc cóc” đi tìm phòng trọ, rồi ở chung. Cô không bao giờ nghĩ chỉ sau mấy tháng, hai người lộ ra nhiều điểm bất đồng. Ví dụ Phương luôn là người dọn nhà, đổ rác, giặt đồ... trong khi bạn không chịu làm, khiến cô phải nhắc.

“Sau một năm, bạn ấy nói mình tìm phòng khác để đón bạn về ở cùng. Chưa tìm được chỗ khác nên mình ở thêm 2 tháng. Bốn người ở chung nhưng ba người đó một phe, còn mình lạc lõng. Ngày mình chuyển đi, 3 người đều là bạn học cũ, nhìn mình tự bê từng thứ đồ mà không ai giúp”, Phương nói.

Nhiều người chơi chung biết chuyện, khuyên Phương: “Không sao”, “Không ở với nhau thì vẫn là bạn”.

Tuy nhiên, hơn một năm sau đó, Phương và người kia im lặng. Cô vẫn luôn tự dằn vặt mình có quá khó tính, chẳng thân được với ai... Người bạn sau đó chủ động xin lỗi Phương, nhưng tình bạn của họ chắc chắn không thể trở lại như xưa.

“Câu ‘Không sao đâu’ chỉ là liều thuốc tạm thời, nghe xong vẫn hoang mang với chuyện buồn của mình thôi. Hầu hết mọi người đều dùng cách đó để an ủi người khác. Mình cũng vậy. Nhưng quan trọng là nói câu đó với ai và hành động kèm theo sẽ có hiệu quả khác nhau”, Phương nói.

Trong tản văn Dỗ dành cũng khác đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mở đầu bằng câu chuyện “thằng em họ bán đất bỏ xứ đi sau bốn mùa tôm thất bát […] cả nhà nó đùm gói lên xe đò đi miền Đông làm mướn”.

“Mùa đầu nó trắng tay, bạn bảo không sao đâu. ‘Rồi xui rủi sẽ qua, ngày mai là ngày mới’, bạn nói vậy ở mùa hai. Mùa ba em trắng tóc với những món nợ như thòng lọng treo trước mặt, bạn vẫn khăng khăng trời đâu phụ người ta hoài. Bây giờ nhớ lại, cái gọi là động viên, lại giống như ru thằng em ngủ quên trong ảo tưởng”, tác giả tập truyện Cánh đồng bất tận phân tích.

Bà kết luận: “Bảo ‘không sao đâu’ là lừa gạt, ‘sẽ có cách’ là trì hoãn (thực chất là chẳng có cách nào), nhưng nói ‘khổ gì cũng trải qua rồi, cố chịu thêm chút nữa’ thì đã bước qua ranh ác. Đời sống dời đổi không ngừng, nên vỗ về nhau cũng không thể xài cách cũ”.

Nên im lặng nếu chỉ có lời sáo mòn

Với nhiều người, cách san sẻ khó nhất là với ai đó vừa mất người thân. Số khác lại nghĩ giúp bệnh nhân trầm cảm, những người mang nỗi buồn nhân lên nhiều lần so với bình thường, mới không dễ dàng.

Chia sẻ với Zing.vn, PGS-TS Đặng Hoàng Minh - chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội - cho biết trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến và tương đối nghiêm trọng.

Ở các nước, tỷ lệ trầm cảm khoảng từ 20-25% ở nữ giới và 7-12% ở nam giới. Điều này đồng nghĩa trong số 4-5 phụ nữ xung quanh chúng ta, có một người mắc chứng trầm cảm.

Theo PGS-TS Đặng Hoàng Minh, khi nhận thấy ai đó xung quanh có biểu hiện trầm cảm, chúng ta không nên nói với họ: “Cố lên” hay “Không sao đâu”. Bởi bản thân không ở vị trí của người bệnh, chúng ta không đánh giá được những gì họ đang chịu đựng ra sao.

“Những lời khuyên như vậy chỉ khiến người trầm cảm nghĩ cảm xúc của mình có vấn đề, khác với đám đông nên họ càng rút lui, không muốn chia sẻ với mọi người”, bà Minh nói.

Khi cách ru tổn thương “không sao đâu” hoàn toàn vô dụng, người trầm cảm cần gì? Câu trả lời là: “Được ai đó lắng nghe, ghi nhận cảm xúc và sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ chuyên gia, bác sĩ tâm lý”, theo bà Minh.

“Hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp bệnh nhân nói: ‘Tôi bị trầm cảm’, người xung quanh thường bảo họ bị tâm thần à hay có gây nguy hiểm cho người khác không? Thái độ e dè, có định kiến khiến người trầm cảm càng thu mình lại, cảm thấy không được công nhận và bị tách khỏi cộng đồng. Bởi vậy, việc đầu tiên mọi người nên làm là hiểu về trầm cảm, không cần quá sâu, nhưng đủ để chia sẻ với người bệnh”, nữ chuyên gia nói.

Một bài viết đăng trên Coffeejitters khuyên mọi người khi muốn an ủi ai đó đang buồn, hãy mở lời: “Tôi chưa từng trải qua chuyện như vậy nên không hiểu cảm giác của bạn”.

Sau đó, tiếp tục cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi mở như “Cho tôi biết thêm nhé?, “Chuyện diễn ra từ khi nào?”... rồi tập trung lắng nghe nhiều hơn nói ra.

“Hãy chú ý đến phản ứng của người đang buồn. Nếu họ dường như muốn tham gia cuộc trò chuyện thì bạn có thể tiếp tục. Nhưng nếu họ không sẵn lòng, quan sát ngôn ngữ cơ thể để đảm bảo bạn không làm họ mệt mỏi thêm. Khi ấy, sự im lặng đôi lúc nó là tất cả những gì chúng ta cần”, tác giả bài viết khuyên.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khong-sao-dau-loi-an-ui-phu-phiem-va-vo-ich-post955689.html