Không quên nguồn cội

Vinh cắm cúi phóng xe trên đoạn đường men theo triền đê. Khung cảnh thay đổi sau mấy năm khiến cậu lạ lẫm. Cũng đã lâu lắm, cậu mới về quê thăm bà nội. Theo bố mẹ ra thành phố sinh sống, hồi nhỏ, thỉnh thoảng hai chị em Vinh còn hay về quê với bà nội và gặp gỡ họ hàng, nhưng học đại học, rồi bây giờ lại đi làm, cậu chểnh mảng dần.

Vinh cắm cúi phóng xe trên đoạn đường men theo triền đê. Khung cảnh thay đổi sau mấy năm khiến cậu lạ lẫm. Cũng đã lâu lắm, cậu mới về quê thăm bà nội. Theo bố mẹ ra thành phố sinh sống, hồi nhỏ, thỉnh thoảng hai chị em Vinh còn hay về quê với bà nội và gặp gỡ họ hàng, nhưng học đại học, rồi bây giờ lại đi làm, cậu chểnh mảng dần.

Chỉ có bà nội là thỉnh thoảng nhớ con và các cháu lại khăn gói lên thành phố chơi vài ngày. Cũng giống như một số bạn bè cùng trang lứa, Vinh bị cuốn theo bao mối bận tâm và các thú chơi thời công nghệ số, hẹn hò, gặp nhau trên mạng xã hội thay cho gặp gỡ trực tiếp. Những mối quan hệ với họ hàng, người thân vì thế cứ lỏng lẻo dần. Thường vào dịp Tết Nguyên đán, Vinh theo bạn bè đi du lịch, song do dịch Covid-19, Tết này, cậu đành ngậm ngùi ở nhà. Đang chán vì chẳng có việc gì thì bà nội gọi điện ra bảo về quê, thế là Vinh xin phép bố mẹ, hăm hở lên đường.

Dắt xe lách qua cánh cổng, Vinh tần ngần đứng trên sân ngắm ngôi nhà nhỏ bé bên hai cây ổi, cây mít lâu năm tán sum suê đã in bóng trong trí nhớ tuổi thơ của cậu. Bà nội, mái tóc bạc phơ từ ngoài vườn đi vào, ôm chầm lấy cháu. Có lẽ cũng tới hơn một năm nay, hai bà cháu mới gặp nhau. Giục đứa cháu đi tắm táp, bà xuống bếp chuẩn bị cơm nước. Chỉ đơn giản đĩa cá kho, lạc rang, đĩa rau luộc và dưa muối từ vườn nhà mà Vinh thấy bữa cơm thật ngon miệng. Trong câu chuyện thủ thỉ bà kể cho Vinh nghe, cậu sững người ngạc nhiên khi biết cây bưởi chua ở góc vườn do chính tay mình trồng hồi học lớp hai được nghỉ hè về với bà. Cậu chẳng ngờ cây bưởi vẫn được bà giữ lại từ bấy đến giờ. Bà bảo, mấy lần, các chú thím đòi chặt đi để trồng vào đó cây bưởi ngọt, vì bưởi chua ít người ăn, nhưng bà không cho bởi đó là cây kỷ niệm của cháu nội. Nay cây đã vươn cao, xòe tán rộng và cho khá nhiều trái... Do tình hình dịch bệnh, Vinh cũng không đi thăm mọi người ở quê được nhiều, chỉ đến nhà mấy chú thím trong xóm rồi lại về với bà. Cứ thế, suốt mấy ngày, hai bà cháu vừa trò chuyện, vừa tha thẩn làm vườn, chăm sóc đàn gà, tỉa tót chậu hoa.

Vài hôm sau, bố mẹ, rồi vợ chồng chị gái lần lượt trở về, cả nhà sum vầy bên mâm cơm đầm ấm đầu năm. Thấy Vinh có vẻ háo hức kể chuyện thăm quê, nhất là say sưa làm vườn, ngắm nghía cây cối, người cha không khỏi ngỡ ngàng. Từ bấy lâu, ông hay trách cứ cậu con trai khó bảo, sống khô khan, hời hợt. Chẳng ngờ, lần này, ở gần bà nội có ít bữa, Vinh đã có nhiều thay đổi, nhất là những tình cảm dành cho bà nội, cho mọi người và thể hiện sự quấn quýt hơn với quê hương. Người cha thật sự tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn, cậu con trai không lãng quên nguồn cội như ông vẫn suy nghĩ.

Phạm Việt Khương

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vanhoa/khong-quen-nguon-coi-636900/