Không quân Việt Nam chiến đấu bi hùng như thế nào ở Hàm Rồng lịch sử?

Tác phẩm đầu tiên của dự án 'Không chiến Việt Nam' đem đến nhiều cảm xúc với câu chuyện hấp dẫn, chất lượng sản xuất tốt, và tâm huyết đáng cổ vũ của nhóm tác giả.

Trailer bộ phim 'Những cánh én đầu tiên' Bộ phim tài liệu - lịch sử kể về trận chiến đầu tiên của lực lượng Không quân Việt Nam diễn ra tại cầu Hàm Rồng vào ngày 4/4/1965.

Thể loại: Tài liệu, lịch sử
Đạo diễn: Lê Nguyên Bảo
Zing.vn đánh giá: 7/10

Những cánh én đầu tiên là dự án phim tài liệu lịch sử được ấp ủ trong suốt 6 năm của Xưởng phim Én Bạc.

Những cánh én đầu tiên là dự án phim tài liệu lịch sử được ấp ủ trong suốt 6 năm của Xưởng phim Én Bạc.

Những cánh én đầu tiên là bộ phim tài liệu thuộc series Không chiến Việt Nam được sản xuất bởi Silver Swallows Studio (xưởng phim Én Bạc) đến từ Đại học Duy Tân nhằm tái hiện những trận chiến lịch sử có thật của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Những hình ảnh đầu tiên về dự án được xưởng phim tung ra hồi tháng 1 đã thu hút sự chú ý của dư luận. Hầu hết ý kiến đánh giá ban đầu đều khen ngợi hiệu ứng đồ họa 3D và mong chờ xuất phẩm thật sự ấn tượng đầu tiên khai thác đề tài Không quân Việt Nam trong lịch sử.

Cuối tháng 4, đoàn phim tổ chức những buổi công chiếu giới hạn tại một số rạp ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Sau một khoảng thời gian xử lý hậu kỳ nhằm hoàn thiện chất lượng, Những cánh én đầu tiên chính thức ra mắt khán giả toàn quốc trong tháng 8.

Nội dung Những cánh én đầu tiên tập trung giới thiệu trận không chiến đầu tiên trong lịch sử Không quân Việt Nam. Đó là trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng - cây cầu huyết mạch trên tuyến chi viện Bắc Nam - vào ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân - Hải quân Mỹ.

Biệt đội tiêm kích MiG-17 ngày 4/4/1965 bao gồm: Trần Hanh, số 1 với máy bay số hiệu 2316; Phạm Giấy, số 2 với máy bay số hiệu 2410; Lê Minh Huân, số 3 với máy bay số hiệu 2412; và Trần Nguyên Năm, số 4 với máy bay số hiệu 2416.

Trong trận này, quân ta đã triệt hạ hai máy bay cường kích F-105, bảo vệ thành công cầu Hàm Rồng. Tuy nhiên, ngoại trừ Trần Hanh, cả ba chiến sĩ của đội đều đã anh dũng hy sinh.

Cách kể chuyện cân bằng giữa các yếu tố tư liệu, phóng sự

Từng có nhiều tác phẩm điện ảnh khai thác hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lịch sử chống thực dân - đế quốc. Tuy nhiên, lực lượng Không quân vẫn còn là đề tài xa lạ với số đông khán giả.

Một số tác phẩm như Vùng Trời (1975) hay Hà Nội 12 ngày đêm (2002) mới chỉ giới thiệu một cách hạn chế hình tượng những người lính Không quân cùng những chiến công oanh liệt của họ trong lịch sử.

Do đó, đề tài của Những cánh én đầu tiên khá mới mẻ và hấp dẫn đối với khán giả, đặc biệt là người trẻ còn xa lạ với lịch sử Phòng không - Không quân nói chung và những chiến công thực tế của lực lượng Không quân Việt Nam nói chung.

Bộ phim lựa chọn sự kiện tiêu biểu để khai thác: trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 4/4/1965 giữa lựa lượng Phòng không - Không quân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân - Hải quân Mỹ. Trận chiến cũng đánh dấu lần đầu tiên Không quân Việt Nam chính thức xuất kích và lập nên những chiến công.

Những cánh én đầu tiên lựa chọn đề tài gợi mở và gây hấp dẫn với công chúng.

Bên cạnh đề tài mới mẻ, nội dung và cách kể chuyện của tác phẩm tương đối hấp dẫn. Những cánh én đầu tiên có kết cấu được chia làm hai phần rõ ràng. Phần nội dung chính có thời lượng lớn được thực hiện theo dạng phim tài liệu, và phần phục dựng, mô phỏng sự kiện được khai thác bằng kỹ thuật đồ họa vi tính 3D.

Phần nội dung tài liệu kể lại chi tiết sự hình thành của lực lượng Không quân thuở sơ khai, với những học viên phi công quân sự thuộc lứa đầu tiên được cử đi Trung Quốc, Liên Xô học tập, rồi chỉ còn lại những cá nhân tinh túy được tuyển chọn vào lực lượng Không quân chính thức.

Bên cạnh yếu tố con người là những chiếc máy bay MiG-17 ra đời từ thập niên 1950. Chúng đã cũ kỹ, tỏ ra lạc hậu với thế giới, và cho thấy sự khó khăn của lực lượng Không quân Việt Nam vào những ngày đầu mới thành lập.

Nội dung phim chứa đựng nhiều dữ liệu, thông tin về sự kiện lịch sử, về các nhân vật, cũng như dữ liệu về các loại máy bay. Để tránh gây lộn xộn cũng như khô khan trong cách kể chuyện, bộ phim áp dụng công nghệ hiện đại khi chọn kết hợp giữa tư liệu lịch sử thực tế, những hình ảnh phỏng vấn chân dung nhân vật thật, với phần diễn giải bằng hiệu ứng đồ họa động 2D-3D đặc sắc.

Phần phỏng vấn chân dung nhân vật đến từ những cá nhân lịch sử có thật trực tiếp tham gia hoặc có liên quan chặt chẽ với lực lượng Không quân. Tất cả giúp đem đến những ý kiến đánh giá bên lề giàu cảm xúc và có giá trị tham khảo cao.

Điều mới mẻ hơn cả nằm ở phần diễn giải sự kiện bằng hiệu ứng đồ họa động 2D-3D. Bộ phim rất khôn khéo khi sử dụng đồ họa động để giới thiệu cho khán giả thông tin về lực lượng máy bay của ta, so sánh tương quan với máy bay địch thế nào, rồi toàn bộ trận chiến diễn ra trên không được đồ thị hóa trên sa bàn ảo 3D ra sao…

Cách thức diễn giải sự kiện tân tiến không chỉ giúp khán giả nắm rõ hơn về diễn biến sự kiện một cách trực quan, mà còn biến toàn bộ tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn nếu so với cách diễn giải bằng phóng sự truyền thống đã cũ.

Không chiến 3D đẹp mắt, chất lượng

Điều được nhiều khán giả kỳ vọng nhất ở Những cánh én đầu tiên làphần phục dựng, mô phỏng toàn bộ trận chiến cầu Hàm Rồng thực hiện bằng kỹ thuật đồ họa vi tính 3D.

Phần phim này thực tế có thời lượng tương đối ngắn, miêu tả lại diễn biến trận chiến dựa theo tư liệu lịch sử đã có sẵn bằng góc nhìn điện ảnh. Do trung thành với thực tế lịch sử, không phóng tác hay cải biên theo hướng điện ảnh hóa, nên phần chi tiết, lời thoại hạn chế, không đi sâu miêu tả nhân vật, mà chỉ tập trung kể lại sự kiện.

Phần kỹ xảo 3D của bộ phim là thực sự đáng khen.

Phải khen ngợi đội ngũ sản xuất hình ảnh của bộ phim đã đem đến cho khán giả một xuất phẩm không chiến 3D với phần hình ảnh đẹp mắt và chân thực, cùng các góc máy ấn tượng không hề thua kém so với các nước tiên tiến. Tiết tấu phim hấp dẫn, hiệu ứng cháy nổ được thể hiện tốt. Phần âm nhạc phù hợp cũng giúp tạo hiệu ứng kịch tính xuyên suốt.

Tuy chỉ có thời lượng ngắn ngủi, còn gây nhiều tiếc nuối cho khán giả khi bộ phim kết thúc, nhưng đoạn phim đánh dấu bước tiến lớn của điện ảnh Việt trong việc bước đầu tạo nên những xuất phẩm với chất lượng đồ họa 3D tiêu chuẩn quốc tế.

Nỗ lực đáng cổ vũ của các nhà làm phim trẻ Việt

Được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, nhưng Những cánh én đầu tiên còn chứa đựng một vài hạn chế. Cách kể chuyện của bộ phim đôi khi cứng nhắc, thiếu đi các khoảng lặng cần thiết để tạo ra hiệu ứng cảm xúc cho khán giả khi thể hiện những chi tiết bi tráng, oanh liệt.

Phần mô phỏng cử động nhân vật 3D chưa mượt mà, lồng tiếng còn thiếu tự nhiên. Hạn chế về mặt công nghệ khiến thời lượng phim bị ngắn, chưa đủ sáng tạo về mặt điện ảnh nhằm đẩy cảm xúc của khán giả lên theo diễn biến của tác phẩm. Phần chuyển tiếp giữa phim tài liệu và phim phục dựng mô phỏng cũng là chưa mượt mà, khiến mạch phim bị gãy.

Tuy nhiên, đây vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà làm phim trẻ thuộc xưởng phim Én Bạc. Hy vọng rằng bộ phim sẽ thành công để tạo động lực cho ê-kíp tiếp tục đầu tư thực hiện các dự án tiếp theo, đồng thời truyền cảm hứng cho giới làm phim Việt dũng cảm đầu tư vào chuỗi tác phẩm cùng thể loại để đưa lịch sử oai hùng của dân tộc đến gần hơn với khán giả cả nước.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Khánh Hưng
Ảnh: Silver Swallows Studio

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/khong-quan-viet-nam-chien-dau-bi-hung-nhu-the-nao-o-ham-rong-lich-su-post978809.html