Không quân, Lục quân Mỹ tranh cãi nảy lửa về...ngân sách

Hiệp hội Lục quân Mỹ mô tả những bình luận của một vị tướng Không quân Mỹ là 'một cái tát gây choáng váng cho một quân chủng thuộc quân đội Mỹ'.

Con bài vũ khí tầm xa

Theo yêu cầu ngân sách tài khóa 2022 của Mỹ, lực lượng Không quân sẽ cắt giảm mua sắm đạn tấn công trực tiếp liên hợp (JDAM), tên lửa Hellfire và bom có đường kính nhỏ hơn. Mỹ hiện tập trung đầu tư vào các loại vũ khí tầm xa, hiện đại, được cho là phù hợp hơn cho các hoạt động ở Thái Bình Dương.

Theo đó, Không quân Mỹ dự kiến yêu cầu Quốc hội phê chuẩn ngân sách cho khoảng 1.900 quả đạn JDAM, so với 16.800 quả của năm ngoái. Lực lượng này cũng chỉ dự trù mua 1.176 tên lửa AGM-114 Hellfire trong năm nay, giảm so với 4.517 tên lửa của năm ngoái. Không quân Mỹ cũng có kế hoạch giảm mua bom đường kính nhỏ SDB I từ 2.462 quả vào năm ngoái xuống 998 quả.

Tên lửa AGM-114 Hellfire

Tên lửa AGM-114 Hellfire

Thay vào đó, Không quân Mỹ đã yêu cầu cấp ngân sách 161 triệu USD để mua 12 tên lửa siêu thanh (ARRW). Bất chấp khoản đầu tư lớn cho ARRW vào năm ngoái, Không quân Mỹ vẫn thất bại trong cuộc thử nghiệm đầu tiên cách đây vài tuần đối với loại tên lửa này.

Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng muốn tăng cường mua sắm tên lửa hành trình tàng hình liên hợp đất đối không (JASSM-ER), một vũ khí tối tân với tầm bắn khoảng 600 dặm (965km). Theo giới chức không quân Mỹ, JASSM và tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công chính xác trên khắp các vùng rộng lớn của khu vực Thái Bình Dương.

Thiếu tướng James D. Peccia, Phó trợ lý Bộ trưởng Không quân, cho biết để tài trợ cho những nỗ lực trên, Không quân sẽ cắt giảm mua sắm JDAM, bom đường kính nhỏ và tên lửa Hellfire. Theo thiếu tướng Peccia, Không quân Mỹ đã tích trữ đủ những loại vũ khí như JDAM và bây giờ sẽ tập trung vào những vũ khí tiên tiến hơn.

Điều đáng nói, Lục quân, Hải quân Mỹ hiện cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho các loại vũ khí tầm xa. Lực lượng này đã biến sáng kiến “hỏa lực chính xác tầm xa” (LRPR) trở thành ưu tiên hiện đại hóa hàng đầu. Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, các sáng kiến quan trọng đang được thực thi hoặc đang được xem xét gồm Pháo binh tăng tầm (ERCA); Tên lửa tấn công chính xác (PSM); Pháo tầm xa chiến lược (SLRC); Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW); và nâng cấp, cải tiến các tên lửa SM-6 và UGM-109 hiện hành của Hải quân để phóng từ mặt đất.

Lục quân Mỹ quyết tâm theo đuổi hàng loạt dự án về vũ khí tầm xa

Phản ứng trước kế hoạch của Lục quân Mỹ, giới chức Không quân Mỹ đã có những phát biểu mang tính mỉa mai. Tướng Timothy Ray, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ, khẳng định: “Đó là một ý tưởng tồi khi đầu tư từng đấy tiền và tái tạo thứ mà Không quân đã làm chủ”. Ông Ray cũng ca ngợi năng lực của các máy bay ném bom tầm xa của Không quân Mỹ.

Còn Trung tướng Không quân đã nghỉ hưu David Deptula, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, cho rằng Lục quân đang “cố giành lấy các nhiệm vụ mà họ cho rằng sẽ giúp họ trở nên thích ứng hơn trong chiến lược an ninh quốc gia mới của chúng ta, và năng lực tấn công tầm xa đứng đầu danh sách đó”.

Cuộc tranh luận nảy lửa

Đáp lại những lời châm chọc từ phía Không quân, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng James McConville cho rằng chủ nghĩa địa phương hẹp hòi đang quay lại. Ông nói: “Quan điểm về chiến tranh trong tương lai có thể khác với tầm nhìn của bạn”. Theo ông McConville, các hỏa lực tầm xa trên mặt đất của Lục quân sẽ cung cấp cho các chỉ huy tác chiến nhiều lựa chọn nhân lực bổ sung và gây ra “nhiều khó khăn” cho đối phương.

Còn trong một xã luận đăng trên Breaking Defense, Tướng Robert Brown đã nghỉ hưu, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương và hiện là Phó Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Lục quân Mỹ, mô tả những bình luận của Tướng Ray là “một cái tát gây choáng váng cho một quân chủng thuộc quân đội Mỹ… vào một thời điểm quan trọng trong quy trình thông qua ngân sách quốc phòng”. Theo Tướng Brown, nhiều cuộc tập trận và chiến tranh mô phỏng đã chứng minh “những năng lực ấn tượng” mà hỏa lực chính xác tầm xa trên mặt đất mang lại cho tư lệnh lực lượng liên quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Lục quân Mỹ bảo vệ quan điểm về vũ khí tầm xa trước những lời mỉa mai từ Không quân

Tranh cãi giữa Không quân và Lục quân Mỹ được đẩy lên “tầm cao” lý luận khi Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell phát hành một tài liệu hướng dẫn mới với tiêu đề “Tìm hiểu cuộc tranh luận về tấn công tầm xa”, trong đó so sánh tầm bắn, chi phí, khả năng phù hợp với mục tiêu và các thuộc tính khác của tên lửa tầm xa mà Lục quân dự định mua so với những loại đạn dược dẫn đường chính xác do máy bay quân sự của Mỹ chuyển tới.

Theo nghiên cứu, các tên lửa của Lục quân Mỹ sẽ tiêu tốn hàng triệu USD mỗi lần bắn, trong khi máy bay ném bom của Không quân có thể được tái sử dụng hoặc có thể sử dụng các loại vũ khí có chi phí thấp hơn với số lượng lớn. Báo cáo cho rằng Lầu Năm Góc “nên tìm kiếm các giải pháp tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí thay vì cho phép các sáng kiến quá lãng phí”.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Lục quân có ý tưởng đúng trong việc theo đuổi hỏa lực tầm xa. Eric Sayers, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Viện Doanh nghiệp Mỹ (AIE) chuyên về chính sách an ninh châu Á-Thái Bình Dương và công nghệ quốc phòng, nhận định: “Tấn công phân tán trên nhiều mặt trận là một chiến lược đối phó với những lợi thế địa lý và hoạt động quân sự của Trung Quốc. Tôi ủng hộ chiến lược này, trong đó các binh chủng phối hợp chồng chéo khiến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gặp khó khăn khi không biết cần ưu tiên nhắm vào mục tiêu trên không, trên bộ, trên biển hay ngầm dưới đất”.

Không quân Mỹ tự tin làm chủ về vũ khí tầm xa so với Lục quân

Đứng giữa cuộc tranh cãi giữa Không quân và Lục quân, Hải quân Mỹ cũng đưa ra ý kiến riêng được cho là nghiêng về phía Lục quân. Đô đốc Phil Davidson, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacom) của Mỹ, đã ủng hộ các hỏa lực tầm xa trên đất liền và kêu gọi Quốc hội thông qua khoản ngân sách 3,3 tỷ USD cho các hệ thống như vậy trong các tài khóa từ 2022-2027 như một phần của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

Tháng 3 vừa qua, trước khi nghỉ hưu, Đô đốc Davidson đã tuyên bố trước Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng “Indo-Pacom cần hỏa lực tấn công chính xác, có tầm bắn xa hơn 500 km để đảm bảo quyền tự do hành động của các lực lượng Mỹ”.

Theo giới phân tích, phát ngôn của Hải quân Mỹ có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình ngân sách. Tuy nhiên, “việc ủng hộ Lục quân” trong cuộc tranh luận về hỏa lực tầm xa có thể là một vấn đề vì Lực lượng Thủy quân Lục chiến - một bộ phận của Bộ Hải quân - cũng muốn được trang bị các tên lửa trên đất liền bao gồm cả vũ khí siêu thanh có thể được triển khai trên các phương tiện.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/khong-quan-luc-quan-my-tranh-cai-nay-lua-vengan-sach-3433356/