Không phù hợp và thiếu khả thi

Sau khoảng 4 năm bị tạm dừng vì tính khả thi không cao, hiện nay trước tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng thì đề án thu phí xe ôtô vào trung tâm TPHCM lại được Sở GTVT đem ra nghiên cứu, dự kiến triển khai năm 2017. Với một đô thị có đặc thù riêng như TPHCM (tràn ngập xe máy - khoảng 8 triệu chiếc; thiếu hệ thống bãi đậu xe công cộng; xe buýt phát triển ỳ ạch…), thì có thể khẳng định việc thu phí xe ôtô vào trung tâm trong thời điểm hiện nay là không phù hợp và không khả thi.

TPHCM đề xuất thu phí xe ôtô vào trung tâm. Ảnh: TR.PHAN

Đề xuất thu phí xe ôtô vào trung tâm 40.000 - 60.000 đồng/lượt

Năm 2009, sau đề xuất của Cty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), UBND TPHCM đã chấp thuận cho ITD nghiên cứu dự án thu phí xe ôtô vào trung tâm và giao Sở GTVT hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm nghiên cứu với những đề xuất cụ thể, đến năm 2012, dự án đành phải tạm dừng vì tính khả thi không cao. Đến nay, sau 4 năm bị tạm dừng, Sở GTVT xới lại dự án này để nghiên cứu tiếp và đây được xem là một trong những giải pháp cấp bách năm 2017 nhằm giải quyết bài toán kẹt xe tại TPHCM.

Theo nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi của ITD, thành phố sẽ lập một vành đai khép kín tại khu vực trung tâm (trong đó sẽ gồm nhiều cổng thu phí được bố trí trên trục vành đai). Khi các xe ô tô đi vào khu trung tâm, các cổng thu phí sẽ tự động thu phí thông qua thiết bị nộp phí được gắn trên xe ôtô (loại thiết bị này có thể mua hoặc thuê khi vào trung tâm). Dự kiến mức thu phí ôtô từ 40.000 - 60.000 đồng/lượt xe (tùy loại ôtô, xe tải, xe chở khách nhỏ hoặc lớn), không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ. Mặt khác, chỉ thu phí chiều xe vào trung tâm; đối với xe từ trong trung tâm ra không phải nộp phí. Theo Sở GTVT, trên đường vành đai sẽ lắp đặt các biển báo điện tử, nhằm thông báo cho người dân biết vị trí khu vực thu phí để có thể quyết định đi vào khu vực thu phí hoặc chọn đường khác.

Được biết, theo tờ trình của Sở GTVT (ngày 12.7.2011) về kết quả nghiên cứu khả thi của dự án thì tổng mức đầu tư lúc bấy giờ gần 1.200 tỉ đồng, trong đó chi phí mua sắm thiết bị đã chiếm đến 1.000 tỉ đồng. Và lúc bấy giờ, Sở GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, một cán bộ Sở GTVT mới đây cho biết, do dự án đã tạm dừng 4 năm và hiện đề nghị ITD nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh nên chưa thể biết được tổng mức đầu tư mới là bao nhiêu?

Không khả thi

Nói về tính khả thi của dự án này, tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng: “Nếu dự án thật sự khả thi thì đã được áp dụng cách đây 4 năm rồi. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng, tình hình giao thông của thành phố như hiện nay thì việc áp dụng thu phí xe ôtô vào trung tâm là không phù hợp, không khả thi”. Theo TS Phạm Sanh, một số nước đã áp dụng biện pháp thu phí xe ôtô vào trung tâm (Singapore, Anh…). Tuy nhiên, không thể thấy các nước họ làm tốt thì mình cũng rập khuôn làm theo họ. Các nước áp dụng giải pháp này đều là các nước phát triển, họ đang xây dựng một đô thị xanh nên việc thu phí xe ôtô vào trung tâm chủ yếu vì mục đích môi trường, chứ không phải để giải quyết kẹt xe như mình đặt ra. Hơn nữa, ở các nước phát triển, điều kiện cơ sở hạ tầng bến bãi, giao thông công cộng của họ cực tốt nên việc hạn chế xe ôtô vào trung tâm bằng việc thu phí đem lại hiệu quả cao.

Một vấn đề đặt ra là dự án thu phí xe ôtô vào trung tâm TPHCM liệu có giải quyết được tình trạng kẹt xe hay không? Khi đề cập vấn đề này, nhiều ý kiến đã không ngần ngại chỉ ra hàng loạt điểm không khả thi của dự án.

Thứ nhất mục đích của dự án nhằm giải quyết bài toán kẹt xe cho thành phố. Tuy nhiên, kẹt xe hiện nay không chỉ nằm ở vấn đề xe ôtô mà chủ yếu là xe gắn máy quá nhiều (khoảng 8 triệu chiếc). Do đó, khi thu phí xe ôtô vào trung tâm thì sẽ phát sinh thêm một lượng lớn xe gắn máy đổ xô vào trung tâm do nhu cầu đi lại của người dân, bởi hiện nay hệ thống xe buýt chưa tiện lợi, chất lượng dịch vụ kém. Mặt khác, thành phố đang thiếu trầm trọng các bãi đậu xe công cộng, đặc biệt khi thu phí xe ôtô vào trung tâm thì đòi hỏi tại các cổng thu phí trên vành đai (dự kiến có 35 cổng thu phí vào trung tâm) phải có các bãi đậu xe ôtô để phục vụ nhu cầu gửi xe ôtô của người dân. Và điều này gần như thành phố khó mà đáp ứng được, vì thực tế cách đây khoảng 7-8 năm dù thành phố đã quy hoạch khoảng 10 vị trí xây bãi đậu xe ngầm, song đến nay các dự án này hầu hết vẫn nằm trên giấy. “Ở các nước khi lập vành đai thu phí xe ôtô, họ xây dựng những bãi đậu xe ngầm bên ngoài vành đai để phục vụ người dân có thể gửi xe tại đó rồi di chuyển bằng phương tiện công cộng vào trung tâm thành phố; còn hiện TPHCM chưa có bãi xe ngầm ở vành đai dự kiến thu phí, hơn thế giao thông công cộng thay thế thì chưa tốt. Do đó, dù có thu phí thì một là người dân vẫn chấp nhận trả phí để đi ôtô vào trung tâm TP hoặc thay thế đi bằng xe gắn máy vào trung tâm. Khi đó, mục đích thu phí ôtô nhằm giảm kẹt xe nguy cơ phá sản rất lớn” - luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết.

Thứ hai, nếu nói mục đích thu phí xe ôtô vào trung tâm nhằm tạo thêm nguồn thu cho thành phố để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng chưa thuyết phục. Theo tính toán tổng mức đầu tư của dự án được nghiên cứu vào thời điểm năm 2011 thôi đã tiêu tốn khoảng 1.200 tỉ đồng (chưa kể chi phí vận hành hằng năm). Với một khoản vốn đầu tư ban đầu khá lớn như vậy, dù là nguồn vốn ngân sách hay xã hội hóa thì cũng phải mất nhiều năm để hoàn vốn, vậy thì liệu đến khi nào thành phố mới có thêm nguồn thu từ dự án này? Hay chỉ tạo thêm gánh nặng cho người dân? Bởi dự án đề xuất thu phí vào trung tâm đối với cả xe taxi, xe tải nhỏ chờ hàng hóa nên chi phí phát sinh từ thu phí này sẽ được tính giá cước, giá thành sản phẩm và cuối cùng người dân lại chịu thiệt.

Đó là chưa kể, đơn vị đề xuất dự án thu phí xe ôtô vào trung tâm chủ yếu là bán công nghệ và thiết bị, vì vậy nếu thành phố không tính toán, cân nhắc kỹ thì không khéo chỉ một số doanh nghiệp được hưởng lợi.

Hà Nội nghiên cứu đề án thu phí ôtô vào nội đô

Theo ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội”. Trong đề án này nổi lên giải pháp thu phí ôtô vào trung tâm Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông. “Hà Nội đang nghiên cứu xem sẽ thu phí ôtô từ vành đai 3 trở vào hay chỉ thu từ vành đai 2. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ thời gian áp dụng để có hiệu quả nhất”, ông Mười nói. Công nghệ để thực hiện việc thu phí chỉ cần tạo một vành đai khép kín và thu bằng thiết bị tự động. Vấn đề là cần nghiên cứu, bố trí điểm thu như thế nào cho hợp lý.

Tuy nhiên, ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ngày 21.12 cho biết, đây mới chỉ là đề án. Sở GTVT và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chưa lên phương án cụ thể. Nếu có thực hiện, sở sẽ xin ý kiến các cơ quan chức năng và chuyên gia giao thông. T.C.A

HUYỀN TRÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/khong-phu-hop-va-thieu-kha-thi-622952.bld