Không phải S-300, đây mới thứ vũ khí Nga đang chuyển tới Syria

Chỉ vài ngày sau khi máy bay trinh sát IL-20 bị bắn rơi ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga đã tức tốc điều đến chiến trường này thứ vũ khí có thể vô hiệu quả mọi tên lửa tấn công của NATO hay Israel, bước đầu tiên trong việc phong tỏa không phận Syria.

Theo một số hình ảnh được trang tin Muraselon đăng tải cho thấy, máy bay vận tải quân sự chiến lược An-124 của Không quân Nga hôm 24/9 vừa qua đã vận chuyển đến Syria thêm các tổ hợp tác chiến điện tử R-330ZH Zhitel và Krasukha-4 nhằm mở rộng phạm vi áp chế điện tử của Quân đội Nga trên chiến trường này. Đây được xem là bước đầu tiên để Moscow phong tỏa không phận Syria trong thời gian sắp tới sau vụ máy bay IL-20 bị phòng không Syria bắn rơi hôm 17/9. Nguồn ảnh: Muraselon.

Một số nguồn tin quân sự Nga còn cho biết, trong chuyến hàng đặc biệt hôm 24/9 mà An-124 chở đến Syria còn có cả các thành phần chiến đấu của tổ hợp tên lửa phòng không S-300 mà Bộ Quốc phòng Nga vừa tuyên bố sẽ chuyển giao cho Syria trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, nguồn tin này vẫn chưa được xác thực cũng như biến thể S-300 Syria sắp được trang bị vẫn chưa được công bố. Nguồn ảnh: Muraselon.

Việc Nga điều thêm các tổ hợp tác chiến điện tử như Zhitel và Krasukha-4 có thể thấy rõ Moscow muốn đối phó với mọi cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn từ bên ngoài nhằm vào Syria. Động thái này diễn ra khi Mỹ và đồng minh không ngừng điều thêm chiến hạm mang tên lửa Tomahawk đến ngoài khơi Địa Trung Hải, cũng như sự hung hăng của Israel trong những ngày vừa qua. Nguồn ảnh: Muraselon.

Vì vậy, việc Nga điều thêm Krasukha-4 đến Syria lúc này khiến giới quan sát đặc biệt quan tâm bởi chính tổ hợp tác chiến điện tử này được coi là vũ khí giúp Nga đánh bại tên lửa hành trình của Mỹ và liên quân trong đợt không kích Syria hồi tháng 4 vừa qua mà không cần tốn một viên đạn nào. Nguồn ảnh: Muraselon.

Các nguồn tin quân sự Nga nhận định, Krasukha-4 có thể đã tác động trực tiếp lên các chiến đấu cơ và tên lửa được liên quân sử dụng trong chiến dịch không kích tháng 4. Bản thân Nga triển khai Krasukha-4 tới Syria từ tháng 10/2015 tại các vùng Tartus và Shayrat, cũng rất có thể điểm đến tiếp theo của Krasukha-4 ở Syria chính là thủ đô Damascus. Nguồn ảnh: Muraselon.

Dựa vào thiết kế cũng như nhiệm vụ của Krasukha-4, tổ hợp áp chế điện tử này có khả năng đối phó với nhiều loại mục tiêu khác nhau từ máy bay không người lái, chiến đấu cơ, các đài radar đối phương, tên lửa... và cả các thiết bị trinh sát vệ tinh. Trong ảnh là một tổ hợp Krasukha-4 đang được Nga triển khai tại Syria. Nguồn ảnh: tvzvezda.

Theo tuyên bố của Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến điện tử KRET – công ty chế tạo ra Krasukha-4 cho biết, tổ hợp tác chiến điện tử mặt đất này có khả năng che phủ hoàn toàn đối tượng được bảo vệ khỏi sự phát hiện radar ở tầm xa từ 150 đến 300 km, đồng thời có thể phá hủy các thiết bị vô tuyến và tác chiến điện tử của kẻ thù. Nguồn ảnh: Asia Times.

Bộ đôi tổ hợp tác chiến điện tử mới của Nga vừa đến Syria có thể tạo ra tại vùng không phận Syria và ven bờ biển Địa Trung Hải một vòm vô tuyến điện không thể xuyên qua trong bán kính hàng trăm km. Nguồn ảnh: Asia Times.

Như vậy có thể thấy, Nga vừa mang đến Syria cả “thanh gươm” lẫn “lá chắn” để bảo vệ không phận Syria trước mọi cuộc tấn công đường không có thể xảy ra trong tương lai gần sau khi hết kiên nhẫn với các hành động khiêu khích từ Israel và cả Mỹ. Nguồn ảnh: Tumblr.

Sức mạnh của tổ hợp Krasukha-4 không chỉ được Nga nói đến và phương Tây cũng đã thừa nhận. Đặc biệt, trong cuộc tập trận hồi đầu năm 2017 tại Quân khu phía Tây của Nga, Krasukha-4 đã gây nhiễu radar điều khiển tên lửa của hai cường kích Su-34, khiến phi công không thể hoàn thành nhiệm vụ tấn công mặt đất. Nguồn ảnh: Tumblr.

Từ những điều trên có thể thấy rõ quyết tâm của Moscow trong việc bảo vệ các thành quả của nước này tại Syria sau hơn 3 năm tham chiến, và cục diện ở Syria hiện tại đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết khi nguy cơ đối đầu quân sự giữa Nga và Israel đang dần trở thành hiện thực bất chấp mối quan hệ của cả hai. Nguồn ảnh: Russia Beyond.

Trong ảnh là hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Khmeimim vào năm 2015, có một điều khá thú vị là trong ảnh có sự xuất hiện của chiếc IL-20M – máy bay trinh sát bị bắn rơi hôm 17/4 và gần đó là tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4. Nguồn ảnh: Jane’s

Mời độc giả xem video: Bên trong dây chuyền sản xuất tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga. (nguồn RT)

Ánh Dương (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/khong-phai-s-300-day-moi-thu-vu-khi-nga-dang-chuyen-toi-syria-1121576.html