Không phải lăng nhăng, đây mới là 'ác mộng hôn nhân' của các cặp vợ chồng

Đừng nghĩ chỉ việc cặp bồ mới là nỗi ám ảnh lớn nhất của các cặp vợ chồng. Những điều này đôi khi còn đáng sợ hơn cả việc 'ông ăn chả, bà ăn nem'.

Không tôn trọng nhau

Thiếu sự tôn trọng, thường xuyên nói hoặc làm mọi thứ mà không quan tâm tới cảm giác của đối phương sẽ khiến người bạn đời cảm thấy mình bị chối bỏ, phớt lờ, bị coi thường.

Nếu vợ/chồng bạn có những bất đồng thường xuyên thì nó có thể là một dấu hiệu xác định rằng đây không phải là cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để cuộc sống cứ trôi đi một cách đơn điệu

Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng quen thuộc với những thói quen, lối sống của nhau. Chính vì thế mà sẽ khiến cho hai vợ chồng thấy nhàm chán nhau hơn, hãy cố gắng thay đổi bằng cách như cùng nhau nấu nướng, cùng nhau đi ăn nhà hàng hay là xem một bộ phim nào đó vào những dịp cuối tuần để thêm chút màu sắc cho cuộc sống.

Không còn nói lời yêu thương ngọt ngào

Những lời yêu thương ngọt ngào như gia vị thiết yếu tạo nên mối hài hòa cho cả hai phía. Gia đình có hạnh phúc, tràn ngập niềm vui, tiếng cười hay không phần lớn phụ thuộc vào thái độ "vun vén" của hai người, mà những lời nói yêu thương ngọt ngào không những giải tỏa vấn đề tâm lý mà còn là liều thuốc hữu hiệu "làm hài lòng" cuộc sống chốn the phòng.

Một khi những lời yêu thương không còn nữa, thay vào đó là những câu kiệm lời, vô hồn thì bạn nên coi chừng, phải chăng chàng/ nàng đã "chán" bạn, chán cuộc sống gia đình?

Vẫn biết rằng, những toan tính của cuộc sống đời thường luôn tìm cách tranh chỗ những lời yêu thương. Nhưng hãy tạm quẳng đi những bộn bề ấy, dành vài lời khích lệ, yêu thương cho đối phương để hai bên cùng lấy lại tinh thần cùng nhau vượt khó.

Cuộc trò chuyện hằng ngày trở thành "khẩu chiến"

Dạo gần đây bạn thường xuyên cảm thấy bị tổn thương bởi nhiều hành động và lời nói của đối phương. Mọi cuộc thảo luận bỗng dưng biến thành một cuộc chiến vì bạn cảm thấy quan điểm của mình không được người ấy lắng nghe. Cả hai bạn bắt đầu khơi gợi lại những lỗi lầm trong quá khứ của nhau để săm soi, trách móc.

Thông thường, sau nhiều năm chung sống với người bạn đời, chúng ta ngừng tích cực lắng nghe và bắt đầu đưa ra các giả định như người ấy đã thay đổi, người ấy chẳng còn tôn trọng mình nữa… Các giả định này có rất nhiều điểm không chính xác bởi chúng hình thành dựa trên cảm xúc và góc nhìn chủ quan một phía.

Do đó, không tích cực lắng nghe có thể khiến cuộc hôn nhân của bạn dần đi vào bế tắc. Hai bạn đang mong muốn suy nghĩ của mình được đối phương lắng nghe nhưng không ai chịu hiểu cho nhau để hướng tới một giải pháp có hiệu quả.

Không trò chuyện, giao tiếp cùng nhau

Điểm quan trọng nhất để kết nối hai vợ chồng với nhau chính là sự giao tiếp thường nhật. Nếu như hai vợ chồng về nhà đều "cạy mồm không được một câu", ai cũng cắm mặt vào điện thoại, máy tính thì nào có khác gì người chỉ ở cùng phòng như nhau đâu? Chính sự giao tiếp hằng ngày này mới là liều thuốc giúp vợ chồng cảm thấy gần gũi và gắn bó với nhau hơn đấy.

Không giận hờn hay cãi vã

Đừng tưởng rằng, không còn giận hờn hay cãi vã là mọi thứ đã yên ổn, tình cảm lại thắm nồng hơn xưa. Hãy đặc biệt cảnh giác vấn đề này, bởi đây là tín hiệu xấu nhất, báo hiệu sự đổ vỡ của hôn nhân. Khi còn giận hờn, còn cãi vã, chứng tỏ hai bên vẫn thể hiện sự quan tâm nhất định nào đó. Ghét cũng bởi vì yêu, mà có yêu thì mới ghét, đó là tâm lý chung.

Khi không còn bất kỳ mối ràng buộc nào, im lặng là cách giải quyết tốt nhất. Bởi biết nói gì khi mọi thứ đã nguội lạnh, tẻ nhạt? Lặng im để đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ đang rạn vỡ. Bạn nên đặc biệt lưu ý dấu hiệu nghe có vẻ vô lý này, nhưng lại vô cùng chính xác.

"Chuyện ấy" nguội lạnh

Trong khi sex là một điều kỳ diệu không có hồi kết trong hôn nhân, thì nó cũng lại là nguyên nhân gây ra "bức tường gạch" cho hai người. Bạn không cảm nhận được ngọn lửa ham hoặc không muốn thân tình với nhau. Ngay cả khi ngủ chung giường, bạn vẫn thấy có sự cách biệt và thiếu sự kết nối như trước đây. Thậm chí, anh ấy còn ngủ riêng và không muốn gần bạn.

Một khoảnh khắc nào đó bạn cảm nhận được rằng đời sống vợ chồng đã có dấu hiệu nguội lạnh, và bạn muốn muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này bạn hãy sẵn sàng để thay đổi. Cả hai phải thực sự cần có nhiều sự cố gắng, hi sinh, sự lắng nghe, thông cảm và kỹ năng giao tiếp.

Bạn nên liệt kê ra những vấn đề cả hai gặp phải và sau đó là tìm cách tháo gỡ nó. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng tích cực, để có thể suy nghĩ thấu đáo hơn mọi việc.

Điều cần thiết nhất bạn cần làm đó là tránh những cuộc cãi vã luẩn quẩn, không có hồi kết. Cảm giác cứ muốn công kích hay trách móc người khác khiến cả hai chẳng bao giờ có thể nói chuyện được rõ ràng.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể học cách làm mới bản thân, yêu bản thân nhiều hơn và học cách khen ngợi nhau, quan tâm đến nhau để cuộc sống trở nên tốt đẹp.

Lily (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/khong-phai-lang-nhang-day-moi-la-ac-mong-hon-nhan-cua-cac-cap-vo-chong-20200910154451082.htm