Không phải là trẻ nghịch ngợm, đây cũng là nỗi ác mộng của giáo viên mầm non chẳng ai thấu hiểu cho

Hiện đa số trường mầm non đều cũng lắp camera tại lớp học. Tuy nhiên, lắp camera tại lớp học có thực sự ổn hay không vẫn là câu hỏi gây tranh cãi vì những quan điểm trái chiều.

Theo dõi “nhất cử nhất động” của con mới yên tâm

Trong vài năm trở lại đây, nhiều trường hợp trẻ mầm non bị bạo hành về tinh thần và thân thể đã được phát hiện nhờ camera đặt tại lớp. Vì thế, lớp học có camera theo dõi “nhất cử nhất động” của con giờ đã trở thành trong những tiêu chuẩn để phụ huynh chọn trường mầm non cho con.

Ngày đầu trai mới đi học lớp 2 tuổi, chị Quỳnh Trang (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) đứng ngồi không yên. Trong giờ làm việc, cứ chốc chốc chị lại mở điện thoại xem con ở lớp có khóc nhè, có bị bạn đánh không. Nhờ camera, chị biết con bị bạn cắn ở lớp và kịp thời can thiệp.

“Lớp học của con có 4 camera nên con đi đâu, làm gì bố mẹ đều theo dõi được. Thực sự cảm thấy yên tâm hơn khi lớp có camera”, chị Trang bộc bạch.

Có camera, phụ huynh cảm thấy yên tâm về việc học của con em tại trường. Ảnh minh họa.

Cũng chung tâm tư như vậy, chị Lệ Thủy (Q. Hà Đông, Hà Nội) cho con đi học mầm non khi mới được 18 tháng tuổi. Khi đó, con trai chưa nói sõi, chị rất lo lắng con sẽ bị bạn cùng lớp bắt nạt.

Tuy nhiên, sau khi tham quan lớp học, nhận thấy ở lớp có đầy đủ camera và ba cô giáo trông nom nên chị đã quyết định gửi con ở một trường mầm non tư tục gần nhà.

“Cứ mỗi khi xem trên internet những hình ảnh trẻ bị bạo hành ở trường là lại thấy lo nơm nớp. Không biết ở lớp cô giáo, bạn bè làm gì với con?

Chỉ có camera mới lưu lại đầy đủ bằng chứng. Tôi rất đồng tình với việc gắn camera trong lớp học, bởi gắn camera không chỉ hạn chế phần nào đó việc bạo hành trẻ ở những cơ sở mầm non mà còn có thể giúp phụ huynh giám sát hoạt động của con mình tốt hơn”, chị Thủy nói.

“Cô giáo trợn mắt lên cũng bị phụ huynh ý kiến”

Trong khi phụ huynh đồng tình thì ở góc độ người trong cuộc, không ít giáo viên mầm non cảm thấy vô cùng áp lực khi lớp học lắp camera.

Chị Thanh Ngọc (một giáo viên mầm non tư thục tại Hà Nội) chị đã từng bị hiệu trưởng nhắc nhở chỉ vì cái…camera.

“Ngày nào tới lớp học cũng có cảm giác như có một con mắt đang săm soi nhất cử nhất động của giáo viên. Trong khi việc trông mấy chục đứa trẻ, điều hành lớp, dạy học là công việc không hề đơn giản. Trẻ hiếu động, có lúc cô giáo phải gào rát cổ bỏng họng thì trẻ mới chịu nghe lời.

Trong một phút không kìm chế được, cô giáo chỉ cần trợn mắt lên, đúng lúc phụ huynh check camera là “dính chưởng”, phụ huynh phản ánh lên tận hiệu trưởng chỉ vì thấy cô giáo trợn mắt lên với các con”, chị Ngọc giãi bày.

Chị Ngọc khẳng định bố mẹ lo lắng khi xem camera không sai nhưng đôi khi không hiểu tường tận sự việc đã nói nặng nề khiến giáo viên rất tổn thương và áp lực khi đứng lớp.

Liệu giáo viên có thể truyền thụ bài giảng tốt nhất nếu lúc nào cũng có camera "soi chòng chọc" vào mặt? Ảnh minh họa.

Từng 7 là giáo viên mầm non tại các trường quốc tế lớn như SIS và Unis (Liên hợp Quốc), hiện là Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại Hà Nội, bà Hoàng Thúy Hằng chia sẻ bà có chủ trương không lắp camera ở trong phòng dạy học, chỉ lắp camera an ninh không gian bên ngoài vì muốn tôn trọng quyền của giáo viên.

Bà cho rằng ở 10 tiếng đồng hồ trong một không gian nhiều màu sắc và có camera theo dõi chòng chọc vào từng hoạt động, giáo viên và học sinh sẽ thấy bị ức chế tinh thần.

“Ngay cả thiết kế trường, tôi chủ trương tối giản, không quá màu mè. Phòng của hiệu trưởng cũng nhỏ nhất trường.

Tôi muốn ưu tiên tất cả không gian để học sinh, giáo viên được hoạt động và thư giãn nhất. Khi giáo viên, học sinh được thư giãn tinh thần, cảm xúc tích cực thì việc truyền thụ và tiếp thu bài học sẽ trở nên dễ dàng”, bà Thúy Hằng bày tỏ.

Theo bà Hằng, điều quan trọng nhất để làm nên chất lượng của trường học không phải ở cái camera giám sát mà là trẻ thực sự cảm nhận được sự ấm áp, giáo dục có phương pháp của cô giáo. Phụ huynh cũng cần có sự hợp tác, thống nhất với nhà trường để tạo nên sức mạnh cộng đồng trong việc giáo dưỡng đứa trẻ.

Thu Hà

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/nhip-song/khong-phai-la-tre-nghich-ngom-day-cung-la-noi-ac-mong-cua-giao-vien-mam-non-chang-ai-thau-hieu-cho-20181113110438178.htm