Không phải là cháu ruột, liệu có được quyền thừa kế theo di chúc của người đã khuất

Không ít người cho rằng, chỉ những người có quan hệ huyết thống mới là người thừa kế hợp pháp theo di chúc của người đã khuất.

Chị Lan Anh (19 tuổi) liên tục bị người thân của bà chị quấy rối, đòi kiện nếu không trả nhà nhiều tháng nay vì chuyện thừa kế. Chị cho hay, chị thực ra không phải cháu ruột của bà, mà được bà nhận nuôi từ nhỏ. Khi bà mất có để lại di chúc cho chị hưởng toàn bộ tài sản, trong đó có căn nhà hai bà cháu cùng sống xưa nay. Bà của chị không có chồng con, cha mẹ đã mất từ lâu, căn nhà cũng do bà đứng tên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị ruột của bà nhiều lần tới nhà yêu cầu chị Lan Anh phải trả nhà, thậm chí dọa kiện vì cho rằng bà ấy mới là người thừa kế hợp pháp di sản. Chị Lan Anh không khỏi hoang mang liệu chị có quyền được hưởng di sản thừa kế của bà không dù chị chỉ là cháu nuôi.

Về trường hợp này, luật sư Võ Đan Mạch (Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha) tư vấn, theo điều 609 Bộ luật dân sự 2015 về quyền thừa kế cá nhân, có đề cập tới quyền lập di chúc để định đoạt tài sản và quyền hưởng di sản theo di chúc. Bà của chị Lan Anh hoàn toàn có quyền để lại tài sản cho chị, chị cũng có quyền thừa hưởng tài sản này theo di chúc, đây là quan hệ dân sự được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định, những người thừa kế không phục thuộc vào nội dung di chúc gồm: con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động, cha, mẹ, vợ, chồng; ngoài những trường hợp này, di sản sẽ được phân chia theo nội dung di chúc. Bà của chị Lan Anh cha mẹ mất sớm, bà cũng không có chồng con, do đó không có người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc, và chị ruột của bà không thuộc trường hợp trên.

Tuy nhiên, theo điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, chị ruột của bà là người thuộc trường hợp người thừa kế theo pháp luật. Dù vậy, luật cũng quy định trường hợp này chỉ được áp dụng khi không có di chúc, di chúc không hợp pháp, người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng hoặc từ chối nhận di sản.

Trong trường hợp của chị Lan Anh, chỉ cần di chúc của bà chị hợp pháp theo điều 630 Bộ luật dân sự 2015, chị sẽ được thừa hưởng di sản theo di chúc, không phát sinh trường hợp thừa kế theo pháp luật.

Bên cạnh đó, chị Lan Anh cần thực hiện các thủ tục sau để trở thành người sở hữu hợp pháp với nhà đất nêu trong di chúc:

Khai nhận di sản thừa kế ở tổ chức công chứng, chuẩn bị hồ sơ gồm phiếu yêu cầu công chứng; giấy chứng tử; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng); giấy tờ tùy thân của người thừa kế (như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu...).

Đồng thời, chị cần đăng ký biến động đất đai (sang tên trên sổ đỏ) tại cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị hồ sơ gồm: đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu quy định; các giấy tờ về thừa kế (di chúc, văn bản khai nhận di sản thừa kế công chứng; sổ đỏ/sổ hồng; giấy chứng tử; tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất; giấy tờ khác như giấy tờ tùy thân,...

Linh Chi (t/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chau-nuoi-co-duoc-thua-ke-theo-di-chuc-cua-nguoi-da-khuat-24044.html