Không phải giao dịch nào cũng bắt buộc công chứng, chứng thực

Công chứng, chứng thực là hành vi pháp lý nhằm chứng nhận, xác thực tính hợp pháp, đúng pháp luật cho các hợp đồng, giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật có liên quan không bắt buộc tất cả các hợp đồng, giao dịch dân sự đều phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 4 (Sở Tư pháp) Nguyễn Thị Hồng Vân (bìa trái) tư vấn các quy định về công chứng cho khách hàng. Ảnh: Đoàn Phú

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 4 (Sở Tư pháp) Nguyễn Thị Hồng Vân (bìa trái) tư vấn các quy định về công chứng cho khách hàng. Ảnh: Đoàn Phú

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 4 (Sở Tư pháp) Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, pháp luật chỉ quy định, đối với hợp đồng, giao dịch dân sự bắt buộc phải công chứng, chứng thực nhưng người dân không thực hiện đúng thì hợp đồng, giao dịch đó sẽ vô hiệu. Ngược lại, khi pháp luật không bắt buộc hợp đồng, giao dịch dân sự phải công chứng, chứng thực thì người dân không cần phải công chứng, chứng thực mà hợp đồng, giao dịch đó vẫn có giá trị pháp lý khi giao dịch.

* Trường hợp bắt buộc phải công chứng, chứng thực

Vì cần tiền gấp, ông L.V.Y. (ngụ xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà N.V.B. (TP.HCM) 400m2 đất ở với giá 800 triệu đồng. Sau khi ký kết hợp đồng, hai bên chưa kịp công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì ông Y. đổi ý không giao dịch nữa. Chính vì vậy, bà B. đòi khởi kiện ông Y. ra tòa. Còn ông Y. thì thách thức, do hợp đồng chưa được công chứng, hai bên chưa giao đất và nhận tiền nên nó chỉ là tờ giấy lộn không có giá trị pháp lý. Đồng thời, đất đai là tài sản chung của vợ chồng nên việc giao kết đó cần phải được sự đồng ý của vợ ông thì giao dịch trên mới có giá trị.

Trao đổi về vụ việc này, bà Nguyễn Thị Hồng Vân phân tích, Khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai năm 2013 quy định, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ), QSDĐ và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Văn bản về thừa kế QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại UBND cấp xã. Do hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Y. và bà B. không tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, dân sự nên không có giá trị pháp lý. Vì vậy, bà B. không có cơ sở để cho rằng ông Y. vi phạm hợp đồng.

Để người dân hiểu và thực hiện đúng các giao dịch dân sự, hợp đồng mà theo quy định bắt buộc phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý khi giao dịch hoặc phát sinh tranh chấp, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết thêm, đó là các hợp đồng liên quan tới nhà ở (hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thương mại; văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại); giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân; di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ; bản dịch tiếng Việt của di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài; văn bản thừa kế nhà ở, QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất; hợp đồng tặng cho tài sản.

* Luật cho phép lựa chọn

Khi thuê nhà trọ của ông P.V.H. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), ông L.M. (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Củu) đặt điều kiện chủ nhà trọ phải đem hợp đồng thuê nhà ra công chứng, chứng thực thì ông mới đồng ý thuê. Do đòi hỏi quá đáng của người thuê, ông H. từ chối cho thuê.

Luật gia Phạm Đình Đức cho biết, dù Luật Nhà ở năm 2014 không bắt buộc hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực, tuy nhiên, luật lại cho phép một trong các bên có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng. Do đó, việc ông M. yêu cầu như vậy là không trái luật.

Khoản 2, Điều 122, Luật Nhà ở năm 2014 quy định, đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Cho nên, chỉ trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì phải tuân theo quy định đó. Ý nghĩa của quy định này nhằm giảm phiền hà về thủ tục hành chính, tốn kém thời gian, tiền bạc cho người dân nhưng giá trị pháp lý của giao dịch vẫn được đảm bảo.

Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, dù luật bắt buộc hợp đồng, giao dịch dân sự phải công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành, tuy nhiên vẫn có trường hợp giao dịch dân sự được công chứng, chứng thực vẫn bị vô hiệu nếu công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác; công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích; giấy tờ, văn bản được chứng thực ký có nội dung: trái pháp luật, đạo đức xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân…

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202104/khong-phai-giao-dich-nao-cung-bat-buoc-cong-chung-chung-thuc-3052119/