Không phải cứ đốt nhà lầu xe hơi, 'dâng' osin... là đã báo hiếu cha mẹ

Theo hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, muốn cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp được siêu thoát, cần tích đức tu nhân, giúp người nghèo khó, lấy câu kinh, câu kệ để cầu cho các linh hồn được siêu thoát. Không phải đốt đồ mã xong là đã 'xá tội vong nhân...

Quan niệm người chết không phải là hết, trần sao âm vậy, nên người sống cũng cố gắng liên hệ với thế giới linh hồn bằng cách đốt tiền, vàng mã là để tin rằng người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy. Vì thế, đồ vàng mã đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời này nhưng những năm gần đây, tập tục đốt vàng mã trong ngày lễ xá tội vong nhân thời nay đã bị biến tướng.

Người ta quan niệm rằng dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ mà sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua những mô hình vật dụng hiện đại để đốt cúng cho người âm. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cha mẹ đã khuất và tự hào vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ hơn người…

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Chia sẻ với PV Infonet về tập tục này, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa- Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thừa nhận, đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt. Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”, nhưng chỉ là hình thức tượng trưng. Sử dụng như những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật.

“Tuy nhiên, gần đây, chúng ta bắt gặp nhiều trên thị trường những mặt hàng vàng mã mà nhiều năm trước đây chưa từng xuất hiện như bikini, giày cao gót, điện thoại, ipad, nhà lầu xe hơi, thậm chí cả ô sin bằng mã..., được sử dụng để “gửi” cho người đã khuất. Sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã biến tướng này suy cho cùng chỉ là sự lệch lạc, biến tướng từ nhận thức coi “trần sao, âm vậy”. Thực tế này một phần thể hiện sự phát triển của đời sống kinh tế, mặt khác cũng cho thấy thực trạng vàng mã bị lạm dụng, biến tướng”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật Quốc gia, tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh của thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Vì vậy, việc người dân lấy nhu cầu của chính mình để xác định nhu cầu cho tổ tiên đã khuất là một điều có thể hiểu được.

“Để việc tuyên truyền, khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng vàng mã tràn lan đạt hiệu quả, tôi cho rằng cần nhìn nhận lại gốc rễ của tập tục này. Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh. Tuy vậy, việc đốt vàng mã cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều.

Việc đốt vàng mã sẽ tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc. Hơn nữa, việc này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan. Và nhất là, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích, dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã. Đặc biệt là việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội”, ông Sơn bày tỏ.

Mặc dù có những tác hại nhất định nhưng đây là một tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên ông Sơn cho rằng, ngoài biện pháp vận động nhân dân hạn chế sử dụng vàng mã, những nỗ lực của ngành là hướng vào việc hạn chế đốt vàng mã cũng như qui định việc đốt vàng mã đúng nơi, đúng chỗ.

Trong khi đó, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là điều cốt lõi. Đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí.

Do đó, muốn cho cửu huyền thất tổ, cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp được siêu thoát, cần tích đức tu nhân, giúp người nghèo khó, lấy câu kinh, câu kệ để cầu cho các linh hồn được siêu thoát, không nên làm những điều phi lý như đốt vàng mã. Không phải đốt đồ mã xong là đã "xá tội vong nhân".

Đốt vàng mã không những vừa hao tài tốn của, không giải quyết được việc gì mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường; tiền vàng, quần áo đốt xong, than tro trở lại với người trần, người âm không được hưởng. Tích đức tu nhân, làm việc thiện là cách báo hiếu, cách để "xá tội vong nhân" tốt nhất.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, Tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có gia đình tiêu tốn đến hàng chục triệu đồng để mua vàng mã.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/khong-phai-cu-dot-nha-lau-xe-hoi-dang-osin-la-da-bao-hieu-cha-me-post308915.info