Không phải cái lu, các nước chống ngập lụt bằng độc chiêu nào?

Các chuyên gia đến từ nhiều nước đã đưa ra những giải pháp chống ngập thu hút sự quan tâm của dư luận. Ban đầu, một số dự án vấp phải sự phản đối, chỉ trích của người dân nhưng về sau đã chứng minh được giải pháp mà các chuyên gia đưa ra hoạt động hiệu quả.

Những ngày qua, công chúng bàn thảo nhiều về ý kiến dùng lu chống ngập được đại biểu HĐND TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân đưa ra trong phiên họp HĐND TP.HCM vào chiều 12/7. Theo đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM, ý kiến của mình làm một số người hiểu sai và chế giễu.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân giải thích ý tưởng “dùng lu chống ngập” mà bà đưa ra là một cách nói dân dã. Nữ đại biểu này cho hay giải pháp chống ngập mà bà đưa ra đã được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi vừa qua.

Khi ấy, JICA cho rằng nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác cũng áp dụng. Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho hay đây là giải pháp tạm để đối phó với tình trạng ngập lụt mà chúng ta đang phải đối mặt.

Việc tìm ra giải pháp chống ngập lụt hiệu quả không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Nguyên do là vì trong những năm gần đây, biến đối khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thời tiết toàn cầu. Mưa bão, triều cường xuất hiện ngày càng nhiều hơn gây ra tình trạng ngập lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân như phá hủy mùa màng, làm giao thông tê liệt, nhiều tuyến phố bị ngập như sông, một số địa phương bị cô lập trong nước lũ...

Dự án điện Pantheon dưới lòng đất là giải pháp chống ngập lụt hiệu quả của Nhật Bản.

Dự án điện Pantheon dưới lòng đất là giải pháp chống ngập lụt hiệu quả của Nhật Bản.

Trước tình hình này, các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý trên thế giới đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để tìm ra giải pháp, sáng chế chống ngập hiệp quả. Theo đó, nhiều nước lựa chọn các giải pháp công trình chống lại tự nhiên như xây dựng hệ thống đê điều và hệ thống dẫn nước. Do vậy, các nước đã thực hiện những công trình chống ngập hiệu quả và được công chúng đánh giá cao.

Điển hình là trường hợp của Nhật Bản được biết đến với công trình chống ngập dưới lòng đất. Cụ thể, chính quyền Nhật Bản cùng các chuyên gia, nhà khoa học lựa chọn phương án xây dựng kênh thoát nước ngầm nằm dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng ở ngoại ô Tokyo. Dự án này được biết đến với tên gọi "điện Pantheon dưới lòng đất".

Được khởi công xây dựng từ năm 1993, công trình chống ngập của Tokyo hoàn thành sau 13 năm xây dựng với kinh phí lên tới 3 tỷ USD. Công trình chống ngập này nằm sâu 50m dưới lòng đất, được các kiến trúc sư thiết kế gồm 5 trụ chứa cao 75m và rộng 32m. Các trụ chứa nối với nhau bằng hệ thống ống dài 6,3 km và có đường kính 10m.

Nước thoát ra sẽ được đẩy vào một tháp điều áp cao 25m, dài 177m và rộng 78m. Mỗi khi xảy ra mưa lớn hay bão lũ, máy bơm công suất lớn được sử dụng để bơm nước ra sông Endo. Nhờ công trình chống ngập này, tình trạng ngập lụt ở thủ đô Tokyo và các địa phương lân cận đạt được hiệu quả rõ rệt.

Không chỉ Nhật Bản, thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia cũng giải quyết tình hình ngập lụt bằng việc xây dựng đường hầm có tên Stormwater Management and Road Tunnel, viết tắt là SMART. Đường hầm có chiều dài 9,7 km với chi phí thi công là 500 triệu USD. Công trình này được các chuyên gia thiết kế vừa dùng để thoát lũ vừa phục vụ giao thông.

Về cách thức vận hành, trong điều kiện thời tiết bình thường (không có mưa bão hay triều cường), đường hầm SMART được sử dụng như hầm đường bộ bình thường. Theo đó, xe cộ di chuyển qua đường hầm. Trong trường hợp mưa lớn hay nước sông tràn bờ gây ngập lụt, đường hầm trên sẽ trở thành một kênh thoát lũ. Nhờ vậy, tình trạng ngập lụt ở các đường phố trong thành phố Kuala Lumpur được xử lý hiệu quả và đời sống của người dân được cải thiện nhanh chóng.

Mời độc giả xem video: Bão Fung Wong gây mưa lớn và ngập lụt ở Philippines (nguồn: VTC14)

Thông qua những giải pháp chống ngập hiệu quả của nhiều nước trên thế giới, công chúng có thể thấy được rằng giới chức trách, các chuyên gia, nhà khoa học cùng người dân ở bất cứ đâu trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, luôn luôn trăn trở và dành nhiều năm để nghiên cứu, tìm ra giải pháp chống lại hậu quả mà mưa lũ, triều cường gây ra.

Nhiều sáng chế chống ngập được các chuyên gia đưa ra ban đầu thường được dư luận đánh giá không cao, thậm chí là bị chế giễu, chỉ trích vì cho rằng những sáng kiến đó không hiệu quả hay thậm chí là ý tưởng không tưởng. Thế nhưng, khi một số giải pháp được các chuyên gia đưa ra, giải thích tỉ mỉ để người dân hiểu và chúng được triển khai trên thực tế chứng minh được những sáng chế chống ngập từng bị dư luận "ném đá" là hoàn toàn hiệu quả trong việc chống ngập. Vì vậy, mỗi người hãy tìm hiểu các ý tưởng chống ngập mà các chuyên gia, cơ quan quản lý đưa ra, không nên vội vã chỉ trích, có cái nhìn phiến diện mà không nhìn thấy những nỗ lực và tâm huyết của họ khi cố gắng giải quyết vấn đề ngập lụt nhằm đảm bảo cuộc sống an sinh cho người dân.

Tâm Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/khong-phai-cai-lu-cac-nuoc-chong-ngap-lut-bang-doc-chieu-nao-1250692.html