Không phải ban hành Nghị quyết là xóa ngay nợ

Chiều 1-11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu: 'Quốc hội ban hành nghị quyết này thì đây là văn bản quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ. Không phải ban hành nghị quyết này là để xóa ngay được nợ mà phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ.'

Bộ trưởng Tài chính:

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Phát biểu trên được Bộ trưởng Tài chính đưa ra tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Nghị quyết là cần thiết

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu rõ quan điểm đồng tình với tinh thần nghị quyết. “Chúng ta không nên để tồn tại món nợ này, vì mỗi năm phải chi tới 70 tỷ đồng dùng để xử lý cho việc thi hành án tồn đọng. Do đó, nếu thấy xóa được thì nên xóa”.

Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, khả năng thu hồi số nợ đọng không có khả năng thu hồi theo quy định của luật hiện hành thấp, trong khi khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi bằng tới 49% tổng số tiền nợ thuế tiếp tục bị tính vào tiền chậm nộp, doanh số nợ đọng không có khả năng thu hồi qua các năm ngày cao, từ đây phát sinh khoản nợ ảo đến sổ sách của cơ quan quản lý thuế.

“Bên cạnh đó, luật quản lý thuế hiện hành không có hiệu lực khoanh nợ, trong khi việc thực hiện quy định về xóa nợ lại còn nhiều bất cập, vướng mắc và không thể thực hiện nếu không có nghị quyết của Quốc hội.” - đại biểu Mai Sỹ Diến nói

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, nghị quyết này là cần thiết, vì Luật Quản lý thuế hiện hành chưa bao quát đầy đủ các đối tượng cần xử lý nợ đối với các trường hợp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu tăng cao và phát sinh thêm đối tượng nợ thuế.

“Chúng ta không thể không xóa những khoản nợ không bao giờ có thể thu được của người nộp thuế bị chết, bị mất tích, bị mất năng lực hành vi dân sự, khi người nộp thuế lâm vào tình trạng phá sản, giải thể hoặc các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng”, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phát biểu.

Còn đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, đây là điều cần thiết để tạo minh bạch nguồn thu, cân đối ngân sách, đồng thời giảm gánh nặng quản lý cho cơ quan thuế, vì các chủ thể kể trên đã không còn khả năng nộp và không còn đối tượng để thu các khoản nợ này.

Chỉ xử lý nợ đọng thuế “ảo”

Giải trình về những lo lắng thất thu khi tiến hành xóa nợ thuế, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội cho phép là chỉ xử lý tiền phạt và tiền chậm nộp, chưa xử lý đến tiền nợ thuế gốc, và điều kiện tiên quyết để xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, đây là tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. "Thực chất là nợ “ảo” như có đại biểu đã phát biểu".

Đối với tiền nợ thuế gốc, Bộ trưởng Tài chính cho biết, vẫn tiếp tục theo dõi và sẽ được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 mà Quốc hội vừa thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2020.

Giải trình về đề xuất cần cẩn trọng trong quá trình xóa nợ đọng thuế, Bộ trưởng Tài chính phát biểu: " Quốc hội ban hành Nghị quyết này thì đây là văn bản quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ. Không phải ban hành Nghị quyết này là để xóa ngay được nợ mà phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, về thủ tục thì mới được xử lý nợ ".

"Cơ quan thuế vẫn theo dõi từng đối tượng nợ thuế và ghi từng chi tiết rất cụ thể trong hồ sơ thuế." - Bộ trưởng Tài chính nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, thảo luận ở tổ để phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách là cơ quan thẩm tra để nghiên cứu tiếp thu và hoàn chỉnh nghị quyết này để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

Gần 760.000 người nộp thuế được xem xét xóa nợ thuế

Theo số liệu của cơ quan thuế, tính đến 31-8-2019, dự kiến có gần 760.000 người nộp thuế thuộc đối tượng xóa nợ với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là hơn 15.700 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức là hơn 222.000 người nộp thuế; cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh gần 540.000 người nộp thuế.

Các đối tượng điển hình trong nhóm bảy đối tượng gồm:

- Người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự là hơn 2.600 người.

- Người nộp thuế tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định là hơn 24.000 người.

- Người nộp thuế mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản là 216 người.

- Người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động… là hơn 731.000 người.

- Ngoài ra còn các đối tượng là người bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác…

NHÓM PHÓNG VIÊN;

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42106302-khong-phai-ban-hanh-nghi-quyet-la-xoa-ngay-no.html