Không 'phá rào' cho điện gió, điện mặt trời

Nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió, điện mặt trời đang đứng trước khó khăn, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý khẳng định, việc thực hiện phải đúng quy định.

Dự án giai đoạn 2 của điện mặt trời Phù Mỹ đã hoàn thành, nhưng chưa được đưa vào vận hành gây lãng phí lớn. Ảnh: TTXVN.

Dự án giai đoạn 2 của điện mặt trời Phù Mỹ đã hoàn thành, nhưng chưa được đưa vào vận hành gây lãng phí lớn. Ảnh: TTXVN.

Nhà đầu tư lo phá sản

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây, mà phải đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo khung giá phát điện được Bộ Công Thương ban hành đầu năm nay. Giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587- 1.816 đồng/kWh, tùy loại hình. Mức giá trần này thấp hơn 20- 30%sovơígiáFITưuđãi20 năm được đưa ra trước đây.

Là một trong 36 nhà đầu tư đã ký tên trong đề nghị mới gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc T&T Group cho hay, các nhà đầu tư rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên các quy định trong Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công Thương ban hành mới đây đã không còn tạo điều kiện cho việc phát
triển năng lượng tái tạo.

Các doanh nghiệp cho rằng, khung giá điện được Bộ Công Thương ban hành mới đây chưa phù hợp thực tiễn khi các nhà đầu tư trực tiếp bị ảnh hưởng không được hỏi ý kiến. Cùng với đó, việc tính khung giá nhưng lại không có đơn vị tư vấn độc lập thẩm định, nên giá đưa ra không phù hợp với thực tế đầu tư của doanh nghiệp.

Bà Bình cho hay, những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi tuabin điện gió hơn 150 tỷ đồng nhưng đứng yên trong hơn một năm qua. Các nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, đã đóng điện và đã phải thanh toán cho các nhà thầu, việc không được huy động là một thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo kiến nghị Bộ Công Thương cần tính toán lại khung giá điện, trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. Với EVN, trong thời gian đàm phán giá, cần huy động nguồn từ các dự án điện đã hoàn thành. Mức giá tạm tính có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu. Với giá điện nhập khẩu hiện ở mức 6,95 cent/kWh, giá điện tạm tính chỉ khoảng 6,25 cent/ kWh (tương đương 1.479 đồng/kWh). Phương án tạm này sẽ được áp dụng cho đến khi Chính phủ có quyết định chính thức về cơ chế giá điện cho các dự án chuyển tiếp.

Ông Phan Thanh Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Bình Dương Xanh cho biết, các nhà đầu tư đã đầu tư theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng các hướng dẫn, yêu cầu của bộ, ngành về xây dựng, phòng cháy lại được đưa ra sau. Các dự án điện mặt trời mái nhà tại Bình Dương có công suất khoảng 800MW, chi phí đầu tư lên tới khoảng 12.000 tỉ đồng và đã có đóng góp vào việc cung cấp điện, ổn định sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà cho biết, họ đứng trước nguy cơ phá sản nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngưng hợp đồng, tách đấu nối khỏi lưới điện, vì hầu hết các dự án phải vay ngân hàng.

Theo tính toán, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu.

Tuân thủ quy định

Liên quan đến những kiến nghị của các doanh nghiệp điện mặt trời và năng lượng tái tạo không kịp tiến độ, tại cuộc họp được EVN tổ chức cách đây ít hôm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, các cơ chế ưu đãi trước đây đã được thực hiện trong thời hạn nhất định nên khi hết giá ưu đãi (giá FIT), sẽ phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp.

Ông Hùng cũng cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang được hưởng các chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo như việc vẫn áp dụng thời hạn giá trong 20 năm với điện gió chuyển tiếp.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng chocrằng, thực tế phải ghi nhận, rất nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời không có kinh nghiệm, đặc biệt là về hạ tầng điện. Trong số các dự án đang
triển khai đã có vi phạm nên các địa phương có dự án và các cơ quan quản lý không thể bỏ qua các sai phạm đó để nghiệm thu dự án.

Cũng theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa hiểu rõ quy trình cũng như những vướng mắc trong triển khai dự án. Do đó, với những dự án đã đầu tư sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận xuống. Điều quan trọng là các dự án phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm đầy đủ các thủ tục đúng theo quy định.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển nóng các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua dẫn tới tình trạng vỡ quy hoạch cũng như nhiều vấn đề khác liên quan đến việc truyền tải cũng như huy động các nguồn điện. Qua kiểm tra, Bộ Công Thương phát hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo có hàng loạt sai phạm về thiết kế cũng như quy hoạch.

Sớm thống nhất khung giá điện gió, điện mặt trời

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp cần đảm bảo đúng các yêu cầu của pháp luật hiện hành.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư chuyển tiếp, thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trước đây các dự án được áp dụng giá hỗ trợ FIT để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió, được quy định chỉ áp dụng trong khoảng thời gian nhất định. Sau khi cơ chế này hết hiệu lực (dự án hoàn thành sau 31/10/2021) thì cần có một cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, để xây dựng được khung giá điện này, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15, quy định phương pháp xác định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp. EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Trên cơ sở tính toán của EVN, Bộ Công Thương đã tham khảo, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan, sau đó Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21, quy định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Khung giá điện này đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió. Việc lựa chọn thông số đầu vào để tính toán khung giá đã được thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 15.

Sau khi có khung giá điện này, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư chuyển tiếp, thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc đàm phán cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khong-pha-rao-cho-dien-gio-dien-mat-troi-20230408162512657.htm