Không ở đâu khó làm giao thông công cộng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Đây là chia sẻ của ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) chiều 19/3.

Lý giải trên góc độ chuyên gia nghiên cứu về giao thông, ông Vũ Hồng Trường, người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện không không thiếu phương tiện đi lại.

Tuy nhiên, hạ tầng ở những đô thị lớn lại không theo kịp sự phát triển của phương tiện cá nhân. Chẳng hạn, ở Hà Nội nếu tính tỷ lệ ô tô tiếp cận được tới từng hộ gia đình chưa được 40%. Riêng phương tiện giao thông công cộng là xe buýt thì tỷ lệ tiếp cận này còn thấp hơn nữa.

Nói cách khác, chỉ có xe máy là tiếp cận được tới từng hộ gia đình. Dẫn như vậy để thấy rằng, việc hạn chế phương tiện cá nhân để người dân đi các loại hình phương tiện giao thông công cộng là rất khó.

Ông Vũ Hồng Trường cho rằng, không ở đâu khó làm giao thông công cộng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Luyện

Ông Vũ Hồng Trường cho rằng, không ở đâu khó làm giao thông công cộng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Luyện

Ông Vũ Hồng Trường cũng khẳng định, tuyến đường sắt trên cao khi đưa vào sử dụng sẽ là sự thay đổi văn hóa sử dụng phương tiện. Góp phần thay đổi thói quen “lười” đi bộ của người Việt Nam. “Chỉ có xe máy là tiếp cận được tới từng hộ gia đình. Để thay đổi nói chung là rất khó. Nhưng chuyển sang đường sắt trên cao là sự thay đổi văn hóa sử dụng phương tiện”- ông Vũ Hồng Trường kỳ vọng.

Chia sẻ quan điểm quanh đề án hạn chế phương tiện cá nhân của Sở GTVT Hà Nội gây xôn xao thời gian gần đây, ông Vũ Hồng Trường khẳng định, Hà Nội hiện đang đi đúng những lộ trình đề ra. Theo đó, hạn chế phương tiện cá nhân gồm 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 là ưu tiên nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) để cải tạo hạ tầng cho người đi bộ. Đây thường được gọi là giai đoạn “mua” thói quen đi lại phương tiện công cộng. Giai đoạn 2 là kiểm soát phương tiện cá nhân, hướng người dân đến VTHKCC. Giai đoạn 3 là hạn chế, tiến tới dừng sử dụng nếu đủ điều kiện.

Nói về giá vé đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro khẳng định, giá vé của loại hình VTHKCC này sẽ bảo đảm công bằng, khuyến khích người dân tham gia. Cụ thể, mức giá vé sẽ dựa vào 5 căn cứ: Thu nhập và khả năng chi trả của người dân; so sánh cạnh tranh giữa các loại hình phương tiện vận tải; kết quả khảo sát ý kiến của người dân; dự toán chi phí vận hành; cân đối khả năng trợ giá của ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở này, công ty nghiên cứu 3 phương án giá vé, từ đó thống nhất đề xuất lựa chọn phương án là giá mở cửa bằng giá taxi đồng hạng thấp nhất 7.000 đồng + 600 đồng/km; giá vé tháng cho đối tượng phổ thông là 200.000 đồng. Giai đoạn đầu áp dụng ưu đãi miễn giảm cho học sinh sinh viên, người già, công nhân tại các khu công nghiệp, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi…

Phương án đề xuất này sẽ được triển khai giai đoạn đầu, nhằm tạo thói quen đi lại của người dân đối với loại hình đường sắt đô thị.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Đinh Luyện

Bổ sung quan điểm phát huy năng lực phương tiện công cộng tiến tới dần hạn chế phương tiện cá nhân ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT cho biết: Nghị quyết của HĐND Thành phố đã đưa ra nguyên tắc “hạn chế phương tiện cá nhân tại các tuyến phố có đủ điều kiện” và theo lộ trình. Vì vậy, không phải là đợi đến năm 2030 Hà Nội cấm đồng loạt xe máy tại nội thành mà căn cứ vào lộ trình của đề án, tuyến phố nào đủ điều kiện sẽ hạn chế phương tiện cá nhân.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho rằng dù mạng lưới xe buýt đã có đủ nhưng người dân vẫn chưa bỏ thói quen đi xe máy. Tuy nhiên, để hướng đến lợi ích chung của cả cộng đồng thì bản thân mỗi người cần thay đổi thói quen.

“Mỗi người đi một xe lúc nào chẳng tiện hơn. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa. Thành phố thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, cũng là vì lợi ích chung của xã hội” - ông Viện nói.

Đinh Luyện - Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-o-dau-kho-lam-giao-thong-cong-cong-nhu-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-88753.html