Không ở cách tổ chức các kỳ thi

Cuối cùng thì Bộ GD&ĐT, mà trực tiếp là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chính thức nhận trách nhiệm trước Thủ tướng về những thiếu sót trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2018 tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ.

Trước đó, vào ngày 31/7, trước nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu cả nước trong một cuộc làm việc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, về những thiếu sót của kỳ thi vừa qua Bộ GD&ĐT xin chịu trách nhiệm. Cụ thể là đề thi chưa phù hợp với kỳ thi (đề khó so với yêu cầu của thi THPT quốc gia, việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao); phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu; Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận… Ông Nhạ cũng cho rằng, việc cần làm hiện tại để đảm bảo chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới là xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT…

Như vậy, có thể thấy quan điểm của Bộ GD&ĐT là vẫn duy trì kỳ thi “2 trong 1” ít nhất là trong năm 2019. Không tranh luận nữa việc có nên tiếp tục duy trì kỳ thi “2 trong 1” hay không, nhưng vẫn phải nghĩ và bàn để tìm ra cách xử lý và ngăn chặn những hành vi gian lận trong kỳ thi như đã từng diễn ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Nguyên nhân chủ yếu tạo ra những tiêu cực đó nằm ở đâu, hay nói cách khác, gốc rễ làm nảy sinh những tiêu cực đó bắt nguồn từ góc nào trong kỳ thi vừa để kết thúc 12 năm đèn sách của học sinh, vừa để mở sang một trang mới để những cô trò cậu cử bước vào đời?
Không thể phủ nhận cách thức tổ chức thi cũng quyết định sự thành công, chất lượng của một kỳ thi. Quan điểm này đúng, nhưng chưa đủ, chưa thực sự đi vào cốt lõi của vấn đề. Trong lịch sử nền giáo dục nước nhà, chúng ta đã trải qua nhiều hình thức tổ chức thi cử. Không nói đến thời xa xưa, hay dưới chế độ cũ, chỉ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của nước ta cũng đã trải qua nhiều lần sửa đổi, cải cách các kỳ thi, đặc biệt là với việc thi vào ĐH. Trên thế giới cũng không chỉ có một cách tổ chức thi. Có thể nói rằng cho đến bây giờ và tin rằng cả sắp tới, không có một phương thức thi nào có thể coi là thật sự hoàn hảo, ưu việt một cách tuyệt đối. Đơn giản là dù áp dụng kiểu thi nào, cũng không thể tách rời yếu tố con người. Cụ thể ở Việt Nam, dù trải qua nhiều cách tổ chức khác nhau thì yếu tố con người vẫn là quan trọng, từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi. Như vậy, nên chăng cùng với việc tranh luận về phương thức tổ chức các kỳ thi, cần quan tâm đến yếu tố con người tham dự vào các kỳ thi đó. Làm sao để người ra đề, người coi thi, chấm thi và các thí sinh tham gia kỳ thi với một tâm thế nghiêm túc, công tâm và trung thực. Làm sao để như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng chống tham nhũng, để người ta không thể gian lận, không dám gian lận và không muốn gian lận! Rõ ràng là chúng ta chưa chú ý đến điều này, hay nói cách khác, chúng ta đã có những lỗ hổng trong giáo dục, đào tạo từ nhiều năm nay để đến bây giờ khẩu hiệu mà cũng là mục tiêu của giáo dục là “Trường ra trường, lớp ra lớp, thày ra thày, trò ra trò” có ai dám khẳng định là đã được thực hiện trọn vẹn? Phải chăng chính điều đó đã dẫn tới tình trạng vẫn có người nuôi ý đồ và dám có những hành vi gian lận trong thi cử, thậm chí gian lận một cách có tổ chức với quy mô lớn như ở Hà Giang, tinh vi như ở Sơn La, Hòa Bình… vừa qua.
Suy cho cùng, các kỳ thi là để lựa chọn những người xứng đáng, tài giỏi. Mà để làm được điều đó đâu chỉ có dựa vào các kỳ thi. Các cụ ta xưa từng nói “học tài, thi phận”. Thực tế cuộc sống cũng cho thấy, sự sàng lọc không chỉ qua các cuộc thi, dù các cuộc thi vẫn là quan trọng.
Vậy có lẽ mọi chuyện không phải chỉ do cách tổ chức thi mà còn ở chính những người tổ chức và tham gia kỳ thi đó. Phải chăng cần những giải pháp căn cơ để có những con người thực sự trung thực, ngay thẳng, coi gian lận là hành vi xấu xa, đáng lên án, chứ không phải lấy làm may mắn hay thậm chí hãnh diện vì mình đã có thể gian lận, tháu cáy được trong những kỳ thi của cuộc đời? Được như vậy thì mới có những kỳ thi thật sự đạt được mục đích, dù chúng có được tổ chức một cách hoàn hảo hay chưa!

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-o-cach-to-chuc-cac-ky-thi-322365.html