Không như kỳ vọng

Đối thoại chính trị cấp cao giữa I-ran và Liên hiệp châu Âu (EU) vừa diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ), xuất phát từ đề xuất của Tê-hê-ran đòi EU nhanh chóng hành động nỗ lực để 'cứu' bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Trong khi đó gần một tháng sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt trực tiếp với dầu mỏ, nền kinh tế I-ran dường như vẫn trụ vững.

Cuộc đối thoại giữa I-ran và EU lần này là cơ hội để hai bên trao đổi thẳng thắn về những cam kết chưa thực hiện được của châu Âu với Tê-hê-ran. I-ran thất vọng về tiến độ chậm chạp của EU trong việc hỗ trợ Tê-hê-ran theo thỏa thuận hạt nhân, sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này. EU được dự kiến sẽ đẩy nhanh những động thái nhằm giúp đỡ các công ty châu Âu tiếp tục giao thương với I-ran, song dường như chưa có bước đột phá nào. Các nỗ lực của EU, trong đó có việc thành lập cơ chế đặc biệt giao dịch với I-ran nhằm né các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đang gặp khó khăn. Trong khi đó, I-ran tỏ ra mất lòng tin vào tiến trình đối thoại với Mỹ nhằm giải quyết bất đồng hiện nay. Tê-hê-ran cho rằng, những lợi ích mà quốc gia Hồi giáo được hưởng từ thỏa thuận hạt nhân đã giảm xuống "gần như bằng không".

Việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt I-ran nhằm vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng gây không ít khó khăn cho I-ran vốn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, sức mạnh của các đòn trừng phạt thực tế chưa được như mong muốn của Mỹ. Bị các đồng minh châu Âu và nhiều nước phản đối, Oa-sinh-tơn đã buộc phải miễn trừ áp dụng lệnh trừng phạt đối với một số nước đang làm ăn với I-ran. Một số đối tác nhập khẩu chính của I-ran như Trung Quốc và Ấn Độ, vốn được miễn trừ áp dụng lệnh trừng phạt của Mỹ, cho biết sẵn sàng tiếp tục mua dầu của I-ran.

Trong khi đó, những đe dọa trừng phạt bị giảm tác dụng khi Tê-hê-ran vẫn có thể bán dầu cho các nước thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), một công cụ mà Mỹ có thể sử dụng để kiểm soát giao dịch của I-ran với các nước, thì nhiều nước đã thiết lập hệ thống thanh toán riêng, như Nga và Trung Quốc. Bởi thế, nếu các giao dịch vượt qua hệ thống SWIFT ngày càng nhiều thì thậm chí có thể làm tổn hại khả năng kiểm soát các giao dịch của Mỹ trên toàn cầu.

Một trong những mục tiêu mà Mỹ nhắm tới khi gia tăng trừng phạt chống I-ran được cho là nhằm giúp nâng cao lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng. Sau khi vượt Nga và A-rập Xê-út trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Mỹ muốn mở rộng thị phần xuất khẩu dầu mỏ trên thị trường. Việc áp đặt trừng phạt I-ran có thể gây khan hiếm nguồn cung hơn và đẩy giá dầu lên cao. Tuy nhiên, trên thực tế, giá dầu thế giới vừa qua lại có xu thế đảo ngược, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Các dự báo về nguồn cung dầu mỏ cũng đã phải điều chỉnh từ nguy cơ thiếu chuyển sang dư thừa. Trong khi đó, I-ran tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tê-hê-ran luôn khẳng định sẽ khiến Mỹ thất bại trong "cuộc chiến tâm lý" do chính Oa-sinh-tơn khơi mào. Tê-hê-ran đang thể hiện không những đứng vững, mà còn liên tục công bố các thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực quốc phòng.

Còn hoài nghi về những thiện chí của EU trong việc bảo đảm các lợi ích của I-ran, song Tê-hê-ran vẫn hy vọng thỏa thuận hạt nhân có thể được cứu vãn. Dù việc thực hiện cơ chế của EU để bảo vệ thương mại với I-ran còn không ít mơ hồ, nhưng nỗ lực của EU trong bảo vệ lợi ích và các cam kết với Tê-hê-ran là không thể phủ nhận. Đó cũng là một trong những lý do khiến hiệu quả các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tê-hê-ran có phần suy yếu, so những gì mà Oa-sinh-tơn kỳ vọng.

THU VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38429302-khong-nhu-ky-vong.html