Không nhiều trường đại học có khả năng và mong muốn trở thành đại học

Đại học và trường đại học và hai khái niệm tồn tại đã lâu ở Việt Nam. Sau sự kiện chuyển đổi của Đại học Bách khoa Hà Nội, dư luận băn khoăn về sự khác nhau giữa hai mô hình và đặt câu hỏi: Thời gian tới, những trường nào sẽ tiếp nối trong chuyển đổi mô hình?

Chất lượng không thể hiện ở cái tên

Tại thông báo mới đây trên Fanpage chính thức, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Việc chuyển đổi từ mô hình trường lên mô hình đại học là “một dấu mốc quan trọng trong quá trình hơn 66 năm xây dựng và phát triển của Bách khoa Hà Nội, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ và xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: moet.gov.vn)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: moet.gov.vn)

Theo đó, sự chuyển đổi này đã được Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Bách khoa Hà Nội, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Nhà trường qua nhiều thế hệ.

Lời khẳng định của Đại học Bách khoa Hà Nội qua sự kiện chuyển đổi trên chứng tỏ tiềm lực, sự lớn mạnh của ĐH Bách khoa Hà Nội qua 66 năm và để có sự chuyển đổi này, với ĐH Bách khoa là cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Trường đại học và đại học có gì khác nhau? Tại sao lại chuyển từ trường đại học thành đại học, phải chăng chuyển tên sẽ đẳng cấp hơn?

Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Tên gọi "trường đại học" và "đại học" đã có từ lâu. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sau đó có các đại học vùng như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên.

Về tên gọi, một số quốc gia khác cũng có những vướng mắc về tên gọi khác nhau của các cơ sở đại học khác nhau, khi dịch sang tiếng Anh cũng lấy tên chung là "University". Việt Nam không có gì khác biệt so với các nước. Tên gọi: Đại học, học viện, trường đại học... khi xây dựng Luật giáo dục đại học đã được bàn thảo và quyết định đưa vào luật.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm: Việc trở thành đại học chỉ là thay đổi cấu trúc và quản trị cho phù hợp chứ không phải là việc được nâng lên đẳng cấp khác.

“Thực tế cũng cho thấy, nhiều cơ sở không phải đại học nhưng quy mô tuyển sinh còn lớn hơn đại học, các thí cũng không lựa chọn vào trường vì đó là đại học hay không. Do đó, đẳng cấp của một trường không thể hiện ở cái tên mà phải do chính trường đó khẳng định mà đẳng cấp thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Sẽ thẩm định kỹ

Dù luật khuyến khích các trường mở rộng quy mô nhưng không phải trường nào cũng có khả năng trở thành đại học. Các trường mong muốn phát triển thành đại học đều phải đáp ứng điều kiện căn bản là có quy mô lớn và đạt các điều kiện theo luật.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: hust.edu.vn)

Bên cạnh đó, Bộ cũng phải xem xét và thẩm định đề án của các trường. Muốn từ trường đại học lên đại học, trường đó phải có năng lực, có đội ngũ GS, PGS, TS đạt số lượng theo yêu cầu. Khi mở ngành, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thẩm duyệt kỹ càng dựa vào nhu cầu, năng lực chứ không thể mở ồ ạt. Một ngành không tuyển sinh được một vài năm theo quy định cũng sẽ phải đóng cửa. Do vậy, các trường phải tự xác định mô hình, cấu trúc tổ chức để phù hợp nhất với mình thay vì chạy theo quan niệm phải trở thành đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian tới sẽ có 2 phương thức hình thành đại học. Phương thức thứ nhất là phát huy năng lực nội tại; các trường đại học mạnh, quy mô lớn, đã có sự chuẩn bị sẽ thành lập các trường thành viên để thiết lập hệ thống trường trực thuộc. Phương thức thứ hai là các trường đơn ngành, quy mô nhỏ sẽ tự liên kết sáp nhập với nhau thành một trường lớn xuất phát từ mục tiêu sứ mệnh chung.

Căn cứ vào Chiến lược phát triển trường đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2021- 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-ĐHKTQD ngày 20/7/2021, có thể thấy, đây là trường đang tiến tới mục tiêu chuyển đổi mô hình từ trường sang đại học theo phương thức thứ nhất.

Chiến lược phát triển của trường nêu rõ: “Đến năm 2030, trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành đại học tự chủ, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế.”.

Để thực hiện mục tiêu đó, chiến lược tổ chức bộ máy của trường sẽ xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp, bao gồm: Đại học; các trường thành viên, các viện/trung tâm nghiên cứu và các Khoa/Bộ môn hoặc đơn vị chuyên môn, hệ thống các đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo. Ngoài ra, trường cũng xây dựng lộ trình rõ ràng cho chiến lược đào tạo, chiến lược khoa học công nghệ và một số phương hướng, chiến lược quan trọng khác.

Cùng với ĐH Kinh tế Quốc dân, một số trường đại học khác như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh… cũng xây dựng chiến lược, lộ trình để hướng tới mục tiêu chuyển đổi mô hình sang đại học.

Về việc chuyển đổi từ mô hình trường sang đại học có trở thành xu thế hay không? Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Sẽ không nhiều trường đại học có khả năng và mong muốn trở thành đại học. Trong vài năm tới, có thể khoảng 5-7 trường đạt điều kiện và các trường hợp này sẽ được Bộ thẩm định rất kỹ càng”.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-nhieu-truong-dai-hoc-co-kha-nang-va-mong-muon-tro-thanh-dai-hoc.html