Không nhân nhượng, không mượn lý do

Sang mùa cưới và những chiếc rạp cưới lấn chiếm không gian chung làm cho hình ảnh nhiều khu dân cư trở nên không đẹp mắt, còn mất an toàn giao thông.

Vào những ngày diễn ra nghi thức nạp tài, xin dâu hay tân hôn, có những con đường không thể lưu thông được vì nhiều người thân quen của các tân lang, tân nương đã tạo ra những hàng rào người trên đường, như một đặc quyền.

Có gia đình đặt biển xin lỗi vì sự làm phiền, nhưng số đó không nhiều. Phần đa các đám cưới vẫn xem đường giao thông là đất của mình, tự ý làm nhiều việc, nhiều người đi đường đã phải chấp nhận nhường nhịn vì quan niệm cưới hỏi là chuyện đời người, nên không muốn căng thẳng làm ảnh hưởng đến ngày vui.

Bởi suy nghĩ ấy mà nhiều người dù rất bực mình nhưng vẫn không thể lên tiếng. Còn chủ nhân những chiếc rạp thì càng được nước, làm cho hình ảnh phố, phường xấu đi, gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Mới đây VTV1 phát hình ảnh một rạp đám cưới lấn chiếm đường giao thông, nhiều người đứng tràn ra đường và hậu quả là một ô tô đã lao thẳng vào những người đứng quanh đó. Đám cưới đã để lại nỗi buồn do xô xát và thương vong.

Vì sao cứ nhất thiết phải làm rạp cưới lớn như thế. Để có những chiếc rạp cỡ lớn chi phí không hề nhỏ. Dù vậy, nhưng nhiều người lại quan niệm đó là bộ mặt, có thể giảm chi phí những việc khác, nhưng không thể giảm chi phí trang trí, khánh tiết. Có gia đình còn xem đó là cách để ngầm chứng minh đẳng cấp. Một nhà trong khu phố làm to, sẽ có nhiều nhà làm theo, nhà sau thậm chí còn làm to hơn nhà trước.

Một chiếc rạp đám cưới quá to chưa hẳn đã là sự tôn trọng dành cho khách, cũng chưa chắc đã làm cho khách khứa, hàng xóm nhìn vào mà thay đổi suy nghĩ về gia chủ. Thay cho tổ chức những đám cưới rềnh rang nhiều ngày với chiếc rạp cỡ lớn cản trở giao thông, nên chọn những nhà hàng, khách sạn, nhà văn hóa phố để tổ chức đám cưới. Dù phải chi trả tiền thuê hội trường, tiền phục vụ, nhưng không phải là chi phí quá lớn so với việc đóng những chiếc rạp lớn dài ngày, vừa mất công trông coi lại mất an toàn.

Trong xây dựng nếp sống văn minh, gần như khu dân cư nào cũng có quy ước, nhưng điều đó chưa nhận được sự tôn trọng của nhiều gia đình.

Chính quyền ở một số nơi cũng có quy định xử phạt việc lấn chiếm lòng đường vào việc tổ chức các sự kiện, nhưng việc kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên, chưa nghiêm, nên chưa đủ sức răn đe.

Suy nghĩ cưới hỏi là chuyện trăm năm, việc hệ trọng của nhiều gia đình, nên đã làm cho nhiều người thủ tiêu đấu tranh với những việc làm quá mức, trong số đó có những chiếc rạp cưới quá lớn lấn chiếm đường đi. Chúng ta đang nhân nhượng cho những tật xấu từ chính suy nghĩ sai lầm của chúng ta.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/khong-nhan-nhuong-khong-muon-ly-do/128538.htm