Không ngừng vun đắp tình hữu nghị son sắt, thủy chung Việt Nam - Campuchia

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia Nguyễn Thị Thanh khẳng định, sự thành công của chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (08 – 09/11/2022) đã tạo động lực mới quan trọng giúp Hội hữu nghị hai nước thực hiện thành công Bản Ghi nhớ đã ký kết, xây dựng được các chương trình hoạt động hiệu quả để đảm đương tốt sứ mệnh vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, góp phần tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, tin cậy giữa nhân dân hai nước, nhất là nhân dân vùng biên giới và thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và bà Men Sam An, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia – Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Campuchia

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và bà Men Sam An, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia – Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Campuchia

Luôn kề vai sát cánh dù thế giới có muôn vàn đổi thay

Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Campuchia trong thời gian qua, thưa bà?

Nguyễn Thị Thanh: Ngày 24/6/1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, hai nước Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại trong quan hệ giữa hai nước và là "biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và tình đoàn kết chiến đấu, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á"[1].

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, uống chung dòng nước sông Mekong hùng vĩ. Trong suốt chặng đường lịch sử 55 năm, trải qua biết bao những thăng trầm và biến cố của lịch sử, khó khăn chồng chất khó khăn, song Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia đã luôn đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh, đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau để giành độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo và hồi sinh đất nước Campuchia cũng như đồng sức đồng lòng giúp nhau dựng xây đất nước hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi nước.

Công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ lãnh đạo, quân đội và nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh cao cả đó là biểu tượng mẫu mực, vô tư và trong sáng của tình đoàn kết quốc tế trong sáng của thế kỷ XX, trở thành tài sản vô giá và thiêng liêng của hai dân tộc không chỉ đối với thế hệ hiện nay và còn đối với thế hệ con cháu mai sau, cần được nhân dân hai nước ra sức gìn giữ, trao truyền, kế thừa và phát huy mạnh mẽ đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong phát biểu nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia vào tháng 7/2017: "Cho dù tình hình thế giới và khu vực có những đổi thay, song trước sau như một, Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn, vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".

Cùng với việc tăng cường quan hệ cấp cao, Việt Nam - Campuchia còn đặc biệt quan tâm thúc đẩy hoạt động ngoại giao nhân dân, xem đây là nền tảng vững chắc để gắn kết, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Xin bà cho biết, công tác ngoại giao nhân giữa hai nước thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia, những người làm công tác ngoại giao nhân dân ở các cấp Hội hữu nghị của hai nước luôn tự hào về kết quả công tác đã đạt được thời gian qua. Hai bên đã tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn, tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, tiến hành các hoạt động cộng đồng xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh ở mỗi nước. Tổ chức các chuyến thăm của các đoàn đại biểu cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia, đại diện gia đình chính sách và doanh nghiệp tới Campuchia năm 2017 và 2019; hội nghị liên tịch giữa hai Hội tại tỉnh Svay Riêng, Campuchia năm 2019; tri ân, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác hữu nghị Việt Nam – Campuchia năm 2017, 2019 và năm 2021.

Nhiều hoạt động được đẩy mạnh với các hình thức đa dạng trên các lĩnh vực như: Chăm sóc lưu học sinh Campuchia trong Chương trình "Ươm mầm hữu nghị"; xuất bản ấn phẩm tuyên truyền về tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia; hỗ trợ doanh nhân đầu tư ở Campuchia; nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo như tặng học bổng, tặng quà, khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí cho người dân Campuchia và người Khmer gốc Việt tại Campuchia gặp khó khăn đã được thực hiện với sự hỗ trợ quý báu của các nhà chùa, doanh nghiệp, cá nhân; mở các khóa học tiếng Khmer giao tiếp cho các đơn vị, doanh nghiệp đang làm ăn, đầu tư ở Campuchia …

Hai năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, hai Hội hữu nghị đã tích cực ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau về cả về tinh thần và vật chất, hợp tác tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Lãnh đạo hai Hội thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc và gửi thư, điện chúc mừng, thăm hỏi lẫn nhau. Nhận lời mời của Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam, từ 01-04/8/2022, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia thăm và làm việc tại Campuchia. Chủ tịch hai Hội đã ký Bản Ghi nhớ về việc phối hợp hoạt động hữu nghị trong giai đoạn 2022 – 2027 với 4 nhiệm vụ trọng tâm sẽ được hai Hội tích cực triển khai trong thời gian tới.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thực hiện nội dung trong bản Thỏa thuận đã ký kết, từ ngày 05-08/2022, được sự đồng ý của của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia phối hợp với Hội hữu nghị Campuchia- Việt Nam đã tổ chức thành công chương trình Gặp gỡ Hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ V tại tỉnh Bình Phước và Đắk Nông với gần 300 đại biểu của hai nước cùng tham dự. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã dự khai mạc và có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện này. Nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa đã được tổ chức trong khuôn khổ của chương trình đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu như: Thăm di tích lịch sử về hành trình cứu nước của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen; ôn lại chặng đường đã qua, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo cấp cao của Đảng và sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam – Campuchia; giao lưu với cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia, Bộ đội Biên phòng, Đoàn Thanh niên tại tỉnh Đắk Nông...

Có thể nói rằng, Chương trình Gặp gỡ Hữu nghị đã trở thành diễn đàn quan trọng để hai bên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm đề xuất sáng kiến, biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên và các tầng lớp nhân dân mỗi nước về truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia; chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí nhằm chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Kết quả Chương trình Ươm mầm Hữu nghị đã được Lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước ghi nhận và đánh giá cao. Qua hơn 10 năm triển khai, đến nay Chương trình đã phát triển đến hầu hết các tỉnh/thành phố có sinh viên Campuchia đang theo học, với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên. Với sự đồng hành bảo trợ của nhiều cơ quan ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội từ thiện và các nhà hảo tâm, các cấp hội đã chủ động phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam các cấp tổ chức hỗ trợ hàng nghìn lượt sinh viên với các hình thức như: Khen thưởng, tặng quà, trao học bổng; tổ chức gặp gỡ, giao lưu hữu nghị, tham quan dã ngoại, tìm hiểu thực tế; tặng trang thiết bị, vật dụng thiết yếu…, góp phần thiết thực giúp đỡ sinh viên an tâm học tập và cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần.

Tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhvừathăm chính thứcCampuchia, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan. Theo bà, chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước như thế nào trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển ổn định; hai bên đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đã tạo động lực mới, biện pháp mới nhằm thúc đẩy, thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là sau khi hai nước đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và đang tích cực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sắp tới là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, hữu nghị truyền thống láng giềng, tốt đẹp, tin cậy và có trách nhiệm, hợp tác hiệu quả cao, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc. Đồng thời khẳng định quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia lên những tầm cao mới trên cơ sở tin cậy chính trị, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam và Campuchia đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia. Theo đó, hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước, ngăn chặn các loại tội phạm xuyên biên giới; đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh mạng, bảo hộ công dân; tiếp tục nỗ lực chung tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thúc đẩy việc hồi hương hài cốt các chiến sĩ Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia từ Việt Nam về Campuchia.

Cùng với đó, hai bên thống nhất đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, cả về cơ sở hạ tầng cứng cũng như thể chế, chính sách; ưu tiên thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước, đồng thời bảo đảm hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trở thành điểm sáng trong chuyến thăm lần này. Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2020; kim ngạch 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021, cán cân thương mại tương đối cân bằng. Đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư lớn nhất tại Campuchia.[2] Nhiều thỏa thuận quan trọng trên các lĩnh vực đã được ký trong khuôn khổ chuyến thăm, mở ra cơ hội lớn để hai nước đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giúp nền kinh tế hai nước cùng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân hai nước.

Trong thành công chung đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cũng tạo điều kiện thuận lợi, động lực mới quan trọng giúp Hội hữu nghị hai nước thực hiện tốt nội dung Bản Ghi nhớ đã ký kết, xây dựng được các chương trình hoạt động hiệu quả để đảm đương tốt sứ mệnh vun đắp tình hữu nghị son sắt, thủy chung giữa Việt Nam và Campuchia, góp phần tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, tin cậy giữa nhân dân hai nước, nhất là nhân dân vùng biên giới và thế hệ trẻ.

Trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và nhu cầu phát triển của mỗi nước, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia sẽ có những hoạt động gì tăng cường quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai nước trong thời gian tới, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị trong khu vực và trên thế giới, Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia sẽ tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa, trọng tâm là thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quan trọng trong Bản ghi nhớ mà hai Bên đã ký kết tại Thủ đô Phnom Penh ngày 01/8/2022.

Cụ thể là, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên và các tầng lớp nhân dân mỗi nước về truyền thống đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia. Chủ động đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc nhằm chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước của các thế lực thù địch. Phối hợp tuyên truyền cho hội viên và nhân dân Campuchia, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của hai nước trong việc tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia. Tăng cường hợp tác trao đổi đoàn, tổ chức gặp gỡ hữu nghị, giao lưu văn hóa, các hoạt động cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh giữa các cấp Hội của hai nước, nhất là giữa các tỉnh, huyện, xã có chung đường biên giới.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình "Ươm mầm hữu nghị" dành cho lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị của các nhà lãnh đạo trẻ hai nước thông qua việc thiết lập các chương trình đào tạo lãnh đạo trong khuôn khổ Campuchia - Việt Nam và liên kết thành lập các khóa đào tạo nghề cho thanh niên các tỉnh giáp biên giới. Đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhất là giữa các địa phương hai bên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh ngày càng thiết thực và có hiệu quả.

Đồng thời triển khai, thực hiện thật tốt vai trò "đối ngoại nhân dân" của Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đã xác định, qua đó góp phần vào sự nghiệp củng cố, vun đắp và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia ngày một tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hà Diệp Anh

[1] Lịch sử quan hệ Việt Nam – Campuchia 1930 -2010: Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc trưởng Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967.

[2] Theo https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-hoi-dam-voi-samdech-techo-thu-tuong-hun-sen-102221108150812442.htm

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khong-ngung-vun-dap-tinh-huu-nghi-son-sat-thuy-chung-viet-nam-campuchia-102221111170135084.htm