Không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị

Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam trong chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày 29-7-1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học đề tài nhận diện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi qua hoạt động công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa hiện nay (năm 2018). Ảnh: Tư liệu

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa là tỉnh huy động sức người, sức của nhiều nhất, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa là một trong những địa bàn chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ; nhưng quân và dân Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ vững chắc hậu phương, kịp thời chi viện nhân lực, vật lực cho tiền tuyến, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Từ 11 đảng viên ban đầu được triệu tập tại Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29-7-1930; đến nay, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có 31 đảng bộ trực thuộc, 1.467 tổ chức cơ sở đảng, với 229.424 đảng viên, là đảng bộ có số đảng viên đông trong cả nước. Khẳng định những thành quả trong dòng chảy của 90 năm lịch sử để thấy rằng những thành tựu nêu trên có được là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng bộ tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, việc thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng bộ tỉnh được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Những thành tựu và hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ thể hiện phổ quát ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực; dưới đây khái quát một số mặt chủ yếu:

Một là: Kiên trì định hướng XHCN.

Trong hoàn cảnh đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá một cách hết sức quyết liệt; hệ thống XHCN lâm vào khủng hoảng, thoái trào thì Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của một Đảng mác-xít chân chính. Kiên định với mục tiêu, lý tưởng đã chọn, Đảng dũng cảm thừa nhận sai lầm, vấp váp trong các chính sách xây dựng và phát triển kinh tế.

Việc thừa nhận sai lầm, dám nhận sai lầm để quyết tâm sửa chữa với tinh thần nói đúng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật đã thổi bùng luồng sinh khí mới cho toàn xã hội, thúc đẩy công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu.

Thực tiễn cho thấy, muốn giữ vững con đường XHCN thì phải kiên trì định hướng XHCN, phải xây dựng đường lối đúng đắn, có tư duy độc lập, kiên định lập trường cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Mọi sự ngả nghiêng, dao động, sự lệ thuộc hoặc sao chép một cách giản đơn, máy móc tư duy, kinh nghiệm từ bên ngoài đều dẫn đến sai lầm và phải trả giá.

Đó là thành tựu cơ bản và nổi bật nhất thể hiện bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng ta trước thử thách khắc nghiệt của thời đại.

Hai là: Phát triển lý luận, bổ sung nền tảng tư tưởng của Đảng từ tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong những năm đầu của quá trình đổi mới đất nước, do chưa có tiền lệ cũng như mô hình trong lịch sử nên chúng ta không tránh khỏi những thử nghiệm, vấp váp. Tuy nhiên, đó cũng chính là cơ hội để trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng tỏa sáng, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các nguyên lý khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đồng thời, nghiêm túc phân tích, đánh giá tình hình thực tế đất nước, quốc tế và thường xuyên tổng kết thực tiễn. Chính thực tế Việt Nam những năm đổi mới đã giúp cho những vấn đề lý luận về con đường đi lên CNXH của chúng ta được lý giải một cách thấu đáo, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Từ thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn - hơn lúc nào hết, Chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành “cẩm nang” cho chúng ta vững tin trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn.

Ba là: Giữ vững ổn định chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền cho dù xảy ra nhiều biến động lớn cả trong nước và quốc tế.

Điểm lại quá trình hơn 30 năm đổi mới đất nước, những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt của đời sống xã hội là minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng ta. Mặc dù trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cũng có lúc phạm phải sai lầm, khuyết điểm, nhưng nhìn thấu suốt, không chỉ so với quá khứ, mà đặt mình trong khu vực và thế giới trong bối cảnh hiện nay, có quyền khẳng định rằng bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng đã được tôi luyện trước thử thách của thời đại

Bốn là: Nâng cao tầm vóc Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế.

Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, quan hệ đối ngoại của nước ta đứng trước những thách thức to lớn. Hội nhập quốc tế như thế nào mà vẫn giữ được định hướng XHCN, “hòa nhập nhưng không hòa tan” là bài toán hóc búa. Trí tuệ của Đảng đã được phát huy đúng lúc và mang lại hiệu quả to lớn trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Việt Nam đang ngày càng tích cực tham gia các hiệp định thương mại, tích cực hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn bởi thời cơ, vận hội phát triển với Việt Nam đã mở ra rộng lớn. Vị trí này tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như những vấn đề quan trọng của thế giới.

Năm là: Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, đẩy mạnh đấu tranh chống lại tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Xây dựng Đảng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức và tác phong công tác luôn được Đảng ta chú trọng. Đây chính là thành công lớn không thể phủ nhận của Đảng trong công cuộc đổi mới. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Do vậy, phải nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ; kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, tăng cường quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Theo đó, Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước mà phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội.

Trên cơ sở mục tiêu đã xác định, nhiều vấn đề trong công tác xây dựng Đảng đã được nghiêm túc thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực trên thực tế.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã chứng minh cho tính đúng đắn, tư duy sáng tạo của Đảng. Sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính là biểu hiện bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng ta với vai trò là người lãnh đạo công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, những tiến bộ nêu trên, với tinh thần dũng cảm, trung thực... phải thừa nhận rằng bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng ta còn nhiều điều bất cập so với yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng được nâng cao hay không, vấn đề quan trọng và cốt yếu để đánh giá đó là năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện. Năng lực tổ chức, thực hiện được thể hiện trên các khâu: phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch; bố trí, tập hợp nguồn nhân lực; chọn khâu đột phá; đề ra biện pháp thực hiện, chỉ đạo điều hành; giải quyết các vấn đề phát sinh; kiểm tra, giám sát, uốn nắn lệch lạc; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm tiếp tục hoàn thiện chủ trương đã đề ra; tiếp tục đề ra chủ trương mới. Nhìn lại tất cả các khâu đó, có thể nói trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức trong hệ thống chính trị, các ngành, các cấp đều có chuyển biến tích cực đáng trân trọng.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và yêu cầu đổi mới, đảng bộ luôn coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn giữ vững lập trường chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, nhất là vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động của tổ chức đảng; tạo động lực khuyến khích cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đề cao trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Những kết quả mà Thanh Hóa đạt được trong những năm qua là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có vai trò quyết định của việc không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.

PGS,TS Lê Văn Cường

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/khong-ngung-ren-luyen-nang-cao-ban-linh-chinh-tri/122215.htm