Không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân

Sáng 23-4, tại Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã truyền đạt đến đại biểu các nội dung của Chương trình số 08-CTr/TU về 'Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025'.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn truyền đạt các nội dung của Chương trình số 08-CTr/TU. Ảnh: Viết Thành

Hướng đến một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Chương trình số 08-CTr/TU là một chương trình mới của Thành ủy khóa XVII. Theo đó, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được thành phố đặc biệt quan tâm.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, góp phần tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ trong mỗi gia đình, hướng đến một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng. Trong đó, đã giải quyết việc làm bình quân cho 154.000 lao động/năm. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội thành phố. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet…

Song, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư dành cho hệ thống dịch vụ xã hội, như: Giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe; cơ sở chăm sóc người cao tuổi, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; cơ sở hạ tầng phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chợ dân sinh... còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi với nông thôn chậm cải thiện, thu nhập khu vực thành thị cao gấp 1,97 lần khu vực nông thôn…

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, mục tiêu tổng quát được nêu trong Chương trình số 08-CTr/TU là giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng phân tích kỹ hệ thống 27 chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU, như: Giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm; 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; 40% lao động trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đồng thời chỉ rõ 3 yêu cầu trong quá trình triển khai Chương trình số 08-CTr/TU.

Thứ nhất, phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố để xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình. Luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Thứ hai, phát triển hệ thống an sinh xã hội theo hướng hiện đại, bảo đảm tính hệ thống, công bằng, đa dạng, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ ba, việc triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU phải tiến hành quyết liệt, đồng bộ, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ và lộ trình thực hiện cụ thể. Các đề án, chuyên đề, kế hoạch được ban hành bảo đảm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát”.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng cho biết, Chương trình số 08-CTr/TU đề ra mục tiêu 100% người dân được quản lý sức khỏe; 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; 55% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội... Đồng thời, tập trung quán triệt, phân tích về 6 nhiệm vụ chủ yếu về phát triển hệ thống an sinh xã hội, 6 nhiệm vụ chủ yếu về nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô.

“Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, việc triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU sẽ góp phần quan trọng nhằm nâng cao phúc lợi xã hội của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/997138/khong-ngung-nang-cao-phuc-loi-xa-hoi-chat-luong-cuoc-song%C2%A0nhan-dan