Không ngủ quên trong chiến thắng

Sáng sớm 12/9, giáo dục Việt Nam đón nhận tin vui khi 3 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) có tên trong bảng xếp hạng uy tín thế giới - Times Higher Education (THE). Nhấn mạnh đây là kết quả đáng tự hào, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – đồng thời cho rằng, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để khẳng định vị trí trên 'bản đồ' GDĐH thế giới.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia các chương trình đào tạo tiên tiến. Ảnh: NT

Kết quả đáng tự hào, nhưng GDĐH vẫn phải nỗ lực hơn

- Việc 3 cơ sở GDĐH lọt vào xếp hạng THE có ý nghĩa thế nào với GDĐH Việt Nam, thưa ông?

- Chúng ta đều vui mừng khi 3 cơ sở GDĐH của Việt Nam, gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và 2 ĐHQG được THE xếp hạng. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐHQG Hà Nội trong top 1.000, ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong top 1.000+.

Đây là tin vui, không phải chỉ vì chúng ta có được một thứ hạng nào đó trong bảng xếp hạng uy tín thế giới, mà quan trọng là phản ánh sự nỗ lực của hệ thống GDĐH Việt Nam, của các cơ sở GDĐH thời gian qua trong nâng cao chất lượng đào tạo gắn kết với nghiên cứu, chuyển giao tri thức.

Điều này cũng cho thấy, GDĐH của Việt Nam không lạc hậu mà đã tiếp cận được trình độ thế giới. Mặc dù chúng ta còn phải tiếp tục nỗ lực rất nhiều, nhưng có thể nói, trong điều kiện của Việt Nam, khi mà đầu tư còn hạn chế, mức chi trên đầu sinh viên còn thấp, đó thực sự là một kết quả đáng tự hào.

Có điều, dù tự hào nhưng chúng ta chưa thể làm hài lòng mà cần phải nỗ lực rất nhiều. Cũng cần nhìn nhận rằng, chúng ta không chạy đua về chỉ tiêu xếp hạng mà thông qua xếp hạng, các trường thấy được điểm yếu, điểm mạnh, từ đó cải thiện, làm tốt hơn nữa.

* Ông nói chúng ta cần phải nỗ lực nhiều, cụ thể hơn là cần tập trung vào điều gì?

PGS Hoàng Minh Sơn

PGS Hoàng Minh Sơn

- Hiện nay, các bảng xếp hạng đánh giá chỉ số nghiên cứu rất “nặng”; trong khi đó đánh giá về kết quả đào tạo không nhiều do họ không có dữ liệu đầy đủ để đánh giá nội dung này. Vì thế, bên cạnh làm tốt công tác đào tạo, các cơ sở GDĐH cần tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu. Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu tốn kém, nhà trường không thể lấy từ học phí của người học, mà phải từ phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu phải thu hút được nhân tài, có đội ngũ cán bộ giỏi, lượng thạc sĩ, nghiên cứu sinh đông đảo; cần có hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại; cần nguồn lực kinh phí để có đề tài, chương trình nghiên cứu dài hơi và chất lượng. Muốn có được 3 cái đó đòi hỏi sự đầu tư, nguồn lực tài chính vững mạnh. Nguồn lực ấy phải từ Nhà nước và doanh nghiệp.

Cụ thể, với những nghiên cứu phục vụ mục đích chung của xã hội, phục vụ đất nước thì Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã nhấn mạnh điều này; đó là một thuận lợi.

Bên cạnh đó, nền công nghiệp của Việt Nam gần đây có tín hiệu đáng mừng. Khi trình độ khoa học công nghệ được nâng cao, doanh nghiệp bắt đầu có nhu cầu hợp tác chặt chẽ với trường ĐH để đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao tri thức. Trên thực tế, một số tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư, hỗ trợ trường ĐH trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích hơn nữa để các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ, đầu tư, hợp tác với trường ĐH trong công tác nghiên cứu, phát triển, chắc chắn sẽ thúc đẩy nhanh việc các trường ĐH đạt thành tích cao hơn nữa.

Cần sự quan tâm hơn nữa từ Nhà nước, doanh nghiệp

* Việc hợp tác nhà trường – doanh nghiệp đã nói đến từ rất lâu nhưng dường như hiệu quả còn hạn chế. Số lượng các doanh nghiệp tài trợ, đầu tư cho trường ĐH trong đào tạo, nghiên cứu cũng không nhiều? Ông nghĩ sao về điều này?

- Muốn đạt đến sự hợp tác thì việc đó phải mang lại lợi ích cho các bên. Từ doanh nghiệp phải có nhu cầu. Giai đoạn trước, doanh nghiệp chủ yếu mới đặt nhu cầu chính là đào tạo nguồn nhân lực; một trong những nguyên nhân là trình độ nền công nghiệp nước ta còn thấp, nhu cầu nghiên cứu phát triển không nhiều. Nhưng hiện nay, đã có nhiều tập đoàn đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Khi nền kinh tế yêu cầu hàm lượng tri thức nhiều hơn thì lúc đó rằng, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp với các trường ĐH sẽ lớn hơn. Đó là điểm thứ nhất.

Trên giảng đường ĐHQGHN. Ảnh Internet

Thứ 2, liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện, để doanh nghiệp hợp tác với trường ĐH tốt hơn. Chúng ta đã có Luật Khoa học công nghệ, trong đó có quy định doanh nghiệp phải có tỷ lệ doanh thu nào đó để dành cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ. Nhưng khi chúng tôi làm việc với khá nhiều tập đoàn lớn, thấy rằng tiền đó hiện nay rất khó chi. Kinh phí doanh nghiệp hoàn toàn có, thậm chí có rất nhiều, nhưng rất khó để giải ngân, khó hợp tác với trường ĐH để chi tiêu khoản tiền đó.

Thứ 3 là cơ chế hợp tác đầu tư theo nguyên tắc phối hợp công tư. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều tập đoàn muốn đầu tư vào xây dựng một tòa nhà, cũng như mang thiết bị vào để hợp tác nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu hỗn hợp. Nhưng Nhà nước chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng, nên quy trình thủ tục phức tạp, kéo dài dẫn đến doanh nghiệp nản. Nếu Nhà nước có những chính sách cụ thể để việc đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác của doanh nghiệp với trường ĐH trong nghiên cứu, chuyển giao tri thức thực sự thuận lợi như ở nhiều nước khác, sẽ tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục ĐH.

Đương nhiên, từ phía các cơ sở GDĐH cũng phải nỗ lực tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp, không phải chỉ ngồi chờ họ đến. Như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với đội ngũ cựu sinh viên lớn, nhiều người có vị trí quan trọng trong doanh nghiệp nên luôn sẵn sàng hợp tác với nhà trường nếu đặt vấn đề đúng và có cơ chế chính sách thuận lợi.

* Theo ông, làm sao để những trường đã được xếp hạng có thể trụ hạng, thăng hạng và Việt Nam sẽ có những cái tên khác nữa sẽ xuất hiện trong xếp hạng thế giới?

- Như tôi đã nói, mục tiêu cuối cùng của các trường đại học là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, phục vụ tốt hơn cho xã hội và đất nước, vì vậy quan trọng nhất không phải thứ hạng mà là năng lực thực chất, chất lượng thực chất của cơ sở GDĐH, nhưng thứ tự xếp hạng cũng một chỉ số phản ánh.

Trước hết phải nói rằng, có tên trong bảng xếp hạng thế giới đã khó khăn, nhưng trụ hạng, thăng hạng còn khó khăn hơn nữa. Bởi, dù chúng ta vẫn làm tốt như thế, thậm chí làm tốt hơn, nhưng các trường khác trên thế giới họ cũng tiến nhanh và được đầu tư rất nhiều, thì chúng ta cũng dễ bị loại ra khỏi bảng xếp hạng những năm tới bởi đó là cuộc đua không cân sức. Những trường trong top 200 thế giới có ngân sách hàng năm thông thường từ 500 triệu cho tới 2 tỉ đô la Mỹ. Muốn thăng hạng, chúng ta cần phải đầu tư rất lớn và càng lên cao càng cần đầu tư lớn hơn.

Các cơ sở GDĐH trong nước cần phải có được cơ chế chính sách đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu. Đầu tư nghiên cứu phải từ người hưởng lợi ích: Từ Nhà nước vì mang lại lợi ích chung cho xã hội, hoặc từ doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Các trường là nơi để đầu tư chứ không phải là các trường tự đầu tư cho nghiên cứu.

Trong GDĐH Việt Nam, không phải trường nào cũng theo định hướng nghiên cứu, mặc dù đã đào tạo ĐH thì phải gắn với nghiên cứu để nâng cao năng lực, gắn kết với giảng dạy. Nhưng nghiên cứu đỉnh cao, tập trung nghiên cứu với mức độ, quy mô lớn, cần đầu tư nhiều thì không phải trường nào cũng có điều kiện… Tôi nghĩ rằng, cần có cơ chế chính sách của Nhà nước cho những trường có định hướng nghiên cứu.

Bên cạnh đó, quan trọng là mỗi trường cần có chiến lược phát triển rõ ràng, phù hợp với sứ mệnh với thế mạnh của mình, để có thể có tên trong bảng xếp hạng. Nghiên cứu có trọng số lớn. Để phát triển nghiên cứu, ngoài chính sách của Nhà nước, bản thân nhà trường cần xây dựng môi trường nghiên cứu, thu hút người giỏi về làm việc. Để có người làm nghiên cứu, phải có quy mô đào tạo lớn. Cái này cũng lại liên quan đến chính sách Nhà nước về gắn kết đào tạo với nghiên cứu, làm sao để người làm nghiên cứu, nghiên cứu sinh đến trường làm việc có học bổng, được hỗ trợ sinh hoạt phí, từ đó có thể làm việc toàn thời gian, toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu khoa học.

* Xin cảm ơn ông!

Sự hợp tác giữa các trường ĐH trong nước rất quan trọng. Điều chúng ta quan tâm không phải là so sánh với nhau, trường này có tên trong bảng xếp hạng, trường kia không, mà phải làm sao để cùng hợp tác, giúp nhau đi lên, từ đó cạnh tranh với khu vực và thế giới. PGS Hoàng Minh Sơn

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khong-ngu-quen-trong-chien-thang-4033282-b.html