Không 'ngán' Mỹ, Ấn Độ chính thức ký hợp đồng mua 'rồng lửa' S-400 của Nga

Ấn Độ đã chính thức ký thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD để mua 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, bất chấp các mối đe dọa từ Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký thỏa thuận này trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn lần thứ 19 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 5/10.

Điện Kremlin cho biết Moscow sẽ bắt đầu cung cấp 5 hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf cho New Delhi từ tháng 10/2020.

Bên cạnh đó, hai bên cũng ký một thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực không gian, theo đó, một trạm theo dõi của Ấn Độ sẽ được xây dựng gần thành phố Novosibirsk ở vùng Siberia của Nga.

Một số thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực năng lượng cũng được hai bên thống nhất trong khuôn khổ hội nghị.

Những thỏa thuận này được ký trong bối cảnh chỉ 2 ngày trước đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng: "Chúng tôi hối thúc tất cả các đồng minh và đối tác của mình không thực hiện giao dịch với Nga, bởi điều đó sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)."

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/9 mới đây đã tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì đã mua tiêm kích Su-35S và tên lửa phòng không S-400 của Nga. Động thái này của Mỹ làm dấy lên đồn đoán rằng Ấn Độ có thể sẽ hoãn việc ký hợp đồng với Nga.

Tuy nhiên, theo RT, Ấn Độ dường như đã gạt bỏ các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn các thương vụ mua bán vũ khí của các quốc gia khác với Nga theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sitharaman hồi tháng 6 đã từng khẳng định rằng: "Quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga đã trải qua một thời gian dài và đây là một mối quan hệ vượt qua thử thách thời gian. CAATSA không thể ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga",

Trước đó, phát biểu tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế của Washington ngày 29/8, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề châu Á Randall Schriver nhấn mạnh rằng Mỹ thừa nhận mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga trong quá khứ nhưng trong lương tai Washington muốn tăng cường hợp tác với New Delhi trong lĩnh vực này.

Mỹ cũng từng cảnh báo Ấn Độ rằng mua hệ thống quân sự hiện đại của Nga có thể hủy hoại hợp tác quốc phòng và chia sẻ công nghệ giữa Washington và New Delhi, cũng như khả năng tương tác giữa lực lượng vũ trang hai nước.

S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế. Đây là 1 phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300. Trong quá trình phát triển, Triumf được gọi bằng tên định danh là S-300PMU3 và vì vậy có ý kiến cho rằng cái tên S-400 mang hàm ý quảng bá nhiều hơn.

Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40–120 km với tên lửa 9M96, 250 km với tên lửa 48N6 và tới 400 km với tên lửa 40N6. S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400 km và cao 40–50 km.

Thanh Tú

Theo RT

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/khong-ngan-my-an-do-chinh-thuc-ky-hop-dong-mua-rong-lua-s-400-cua-nga-20180504224213972.htm