Không ngại làm mới âm nhạc truyền thống

Sau album 'Níu dải lụa đào', ca sĩ Tân Nhàn- Phó Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tiếp tục khẳng định con đường âm nhạc của mình trong những sản phẩm âm nhạc mới, nhằm tôn vinh những giá trị âm nhạc truyền thống.

Ca sĩ Tân Nhàn.

Ca sĩ Tân Nhàn.

Một giấc mơ riêng

Căn hộ của vợ chồng ca sĩ Tân Nhàn - Tuấn Anh nằm ở vị trí khá trung tâm của Hà Nội, với lối bài trí theo phong cách Tân cổ điển cùng với màu sơn tường xanh dương mát dịu. Dù Tết đã qua, nhưng căn hộ vẫn còn ngập sắc xuân với đào, quất, mai “đủ bộ”.

Nhưng vui xuân, Tân Nhàn vẫn không quên dành thời gian cho những sản phẩm âm nhạc của mình. Những sản phẩm mà ở đó, người ta dễ dàng nhận ra nét tươi mới, dù vẫn là những bài hát văn, hay quan họ cổ. Mới đây thôi, hôm mùng 8 tháng Giêng, Tân Nhàn đã ra mắt MV bài quan họ cổ “Tương phùng tương ngộ”. Với MV “Tương phùng tương ngộ”, Tân Nhàn hát theo lối cổ, với mong muốn được khoe trọn vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

“Tương phùng tương ngộ” kể câu chuyện liền chị thương nhớ “thơ thẩn năm canh” liền anh, và mơ ước sớm có ngày “gặp mặt đôi sánh đôi”. Nói như nữ ca sĩ thì “với Tương phùng tương ngộ, tôi muốn gửi gắm chút tình của mình đến với âm nhạc truyền thống, đến với khán giả yêu thương tôi, như lời tự sự tha thiết của cô gái trong bài, ngóng đợi mùa Xuân đến để gặp người yêu”.

Sau MV này, liveshow lớn trong sự nghiệp của Tân Nhàn mang tên “Trở về” sẽ diễn ra lúc 20h ngày 23/2 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Không chỉ “Níu dải lụa đào”...

Vậy là sau 6 năm, kể từ liveshow của hai vợ chồng Tân Nhàn và Tuấn Anh năm 2013, đến tận năm 2019 Tân Nhàn mới quyết định thực hiện liveshow riêng nhưng không có ca sĩ Tuấn Anh trên sân khấu. Thay vào đó, Tuấn Anh đứng ở vai trò giám đốc sản xuất.

Liveshow do biên đạo múa, NSƯT Trần Ly Ly làm Tổng đạo diễn, Giám đốc âm nhạc- nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, nghệ sĩ khách mời là NSƯT Đình Cương, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, ca sĩ Thu Hà, các học trò của Tân Nhàn là ca sĩ Hương Ly, Thanh Quý, Linh Hoa.

Liveshow “Trở về” mang những giấc mơ âm nhạc riêng của Tân Nhàn, chính vì vậy trên sân khấu liveshow sẽ khắc họa nên một chân dung Tân Nhàn qua câu chuyện âm nhạc. Đó là một Tân Nhàn với giọng hát rót mật, như ru lòng người cùng những ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng đã gắn với tên tuổi cô. Đó là một Tân Nhàn với vai trò nhà giáo, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam khi cô đưa lên sân khấu những thế hệ học trò của mình.

Đó là một Tân Nhàn với khát khao cháy bỏng được tôn vinh giá trị đặc sắc trong âm nhạc truyền thống của người Việt, nối dài dự án hát nhạc truyền thống Việt Nam của cô từ album “Yếm đào xuống phố” đến “Níu dải lụa đào” với những bài ca cổ vừa phát hành, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Và, ở đó sẽ còn có một Tân Nhàn táo bạo, đam mê khám phá, không ngừng làm mới nghệ thuật trên con đường sáng tạo khi đưa cả dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu cùng mình khai mở những không gian âm nhạc mới cho những ca khúc mang âm hưởng dân gian, và đặc biệt là những bài ca cổ của âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Lý giải vì sao chọn cái tên có vẻ giản đơn, “Trở về”, cho liveshow quan trọng trên con đường âm nhạc của mình, Tân Nhàn nói: “Trở về” với Tân Nhàn có ý nghĩa vô cùng rộng, có lẽ là trở về với chính bản ngã của Tân Nhàn, với mẹ cha, với quê hương, với tình người tình đời, và đặc biệt là trở về với những giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tân Nhàn cũng tiết lộ: Ban đầu, cô dự định sẽ thực hiện một liveshow chỉ hát âm nhạc truyền thống, giãi bày hết khát vọng được miêu tả sự đẹp đẽ và duyên dáng của âm nhạc truyền thống Việt Nam của cô. Nhưng rồi, Tân Nhàn lại đổi ý bởi cô cũng muốn sau nhiều năm gặp lại ở liveshow, khán giả sẽ được thấy một Tân Nhàn với dòng nhạc truyền thống Việt Nam cùng một Tân Nhàn mà họ đã yêu thuơng suốt 14 năm qua, kể từ khi cô thành công ở Sao Mai 2005 với giải Quán quân dòng nhạc dân gian.

Trước đây, Tân Nhàn đã từng gây tranh cãi lớn như vậy khi kết hợp chèo và jazz trong “Yếm đào xuống phố”, hỏi Tân Nhàn có e ngại những tranh cãi không khi tiếp tục làm mới âm nhạc truyền thống của Việt Nam trong liveshow “Trở về”, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia quả quyết: “Tôi không ngại bởi vì tôi nghĩ, có tranh cãi có nghĩa là mọi người đã quan tâm. Với âm nhạc truyền thống của Việt Nam, tôi phải làm mới chứ, vì tôi là thế hệ trẻ mà. Âm nhạc truyền thống, cái cổ truyền sẽ không bao giờ mất đi. Cái mới chỉ đem lại sự thú vị cho người trẻ thế hệ sau này vì âm nhạc truyền thống dân gian phát triển theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử chứ không phải 1.000 năm sau vẫn sẽ hát như thế. Âm nhạc truyền thống phát triển cùng với các giá trị của đời sống xã hội, của dân tộc. Tôi tin chắc sau tôi, sẽ có thế hệ kế tiếp tiếp tục làm mới và vẫn giữ được bản sắc, giá trị của âm nhạc truyền thống. Đó là sự tiếp bước, là sự nối dài sức sống của âm nhạc truyền thống...”.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, liveshow “Trở về” “nặng” về phần nhạc, như cơ cấu dàn nhạc rất “khủng khiếp”, lên đến 50 người, với một dàn dây hơn 30 người, trong đó khoảng 20 nhạc công - một nửa là nhạc nhẹ, một nửa là nhạc dân tộc phối hợp…

“Tôi phải tính toán rất nhiều để âm nhạc vừa có sự văn minh của một show học thuật, vừa có sự mềm mại của dòng dân gian mà Tân Nhàn gắn bó. Về phần dàn dựng sân khấu, chúng tôi đã có những tính toán để vừa có sự hoành tráng vừa có sự lãng mạn. Lãng mạn ở đây là tính chất rất mềm mại của Tân Nhàn, sẽ phải thể hiện được một chân dung của Tân Nhàn: nhìn liễu yếu đào tơ nhưng rất mạnh mẽ, quật cường đấy nhé!”- NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.

Hà Oanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/khong-ngai-lam-moi-am-nhac-truyen-thong-tintuc429640