Không nên xem nhẹ những mâu thuẫn trong gia đình

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, trong thời gian gần đây, nổi lên tình trạng giết người do mâu thuẫn không được giải quyết, giết người thân do đối tượng tâm thần, 'ngáo đá', những thù tức, âm ỉ, kéo dài không được giải quyết triệt để, kịp thời…

Tính chất mức độ của tội phạm giết người ngày càng đặc biệt nghiêm trọng, đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản, gây hoang mang bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm phức tạp về an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự bình yên và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nếu làm tốt công tác phòng ngừa, đặc biệt là phòng ngừa xã hội thì có thể hạn chế hoặc ngăn chặn được các vụ án giết người.

Mới đây, khoảng 19h ngày 2-10, tại khu 2, phường Hà An, thị xã Quảng Yên đã xảy ra vụ cố ý gây thương tích. Do mâu thuẫn trong sinh hoạt, đối tượng Ngô Văn Hùng, 30 tuổi, trú tại khu 2, phường Hà An, thị xã Quảng Yên đã dùng dao chém bố mẹ đẻ và vợ.

Hậu quả làm ông Ngô Văn Nghĩa (SN 1964, bố đẻ Hùng) bị đứt 2 ngón tay cái; bà Trần Thị Thủy (SN 1968, mẹ đẻ Hùng) bị thương ở tay và chị Vũ Thị Như Quỳnh (SN 1990, vợ Hùng) bị thương ở người.

Đối tượng Ngô Văn Hùng.

Đối tượng Ngô Văn Hùng.

Ngay khi nhận tin báo, Công an thị xã Quảng Yên đã kịp thời đến hiện trường, khống chế, bắt giữ đối tượng, thu giữ hung khí, đồng thời đưa các nạn nhân đi bệnh viện. Rất may vụ án không để lại hậu quả nghiêm trọng như vụ án ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội xảy ra vào ngày 1-9.

Đối tượng Nguyễn Văn Đông, trú tại huyện Đan Phượng do mâu thuẫn đất đai đã cầm dao truy sát cả nhà em trai, khiến 4 người chết và 1 người bị thương nặng. Vào ngày 15-9, Vũ Xuân Hồng, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã giết chết em gái ruột và 2 người bị thương do nguyên nhân mâu thuẫn về tiền bạc.

Trước đó, ngày 5-1, tại Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đối tượng Nguyễn Võ Ngọc Bảo (SN 2000), sử dụng ma túy bị ảo giác đã dùng dao chém chết em ruột và mẹ đẻ. Tiếp đó, ngày 11-3, đối tượng Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993), trú tại Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh (nghi bị ngáo đá) đã dùng dao chém chết 4 người, trong đó có bố, mẹ ruột và bà nội.

Lý giải về điều này, theo Cục Cảnh sát hình sự, nguyên nhân gián tiếp do mặt trái nền kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến cuộc sống nhân dân, dẫn đến tiêu cực, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là số thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi và tư tưởng thích hưởng thụ, coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác.

Ngoài ra, các loại hình giải trí có tính chất bạo lực, đồi trụy như game online, phim ảnh trên internet ngày càng phổ biến dẫn đến tâm lý thích bạo lực, khi xảy ra mâu thuẫn, đối tượng sẵn sàng sử dụng các hành vi đánh đập, đâm chém, bắn giết như trong game, phim ảnh để giải quyết vấn đề. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân cách, ý thức lao động còn hạn chế.

Việc hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân chưa triệt để dẫn đến mâu thuẫn tích tụ thành thù hận và nhiều đối tượng đã lựa chọn hành vi giết người để trả thù. Một số nơi nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Để hạn chế những vụ án đau lòng, thương tâm xảy ra, Thượng tá Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân và quyền tự do dân chủ của công dân, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, công tác phòng ngừa xã hội liên quan đến mâu thuẫn gia đình, “ngáo đá”, tâm thần gây án không chỉ của Công an mà cần phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và đặc biệt là các cấp ngành, chính quyền, tổ hòa giải địa phương giải quyết những nguyên nhân ban đầu mới phát sinh, không để nảy sinh tội phạm giết người, nhất là công tác quản lý đối tượng tâm thần, “ngáo đá”…

Có biện pháp cụ thể nhằm ngăn ngừa các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực từng bước nâng cao chất lượng giáo dục về đạo đức, lối sống tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư; ngăn chặn tình trạng sử dụng bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân một cách sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến cơ sở.

Tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và kỹ năng xử lý, ứng phó với các hành vi bạo lực, các tình huống có thể dẫn đến hành vi bạo lực trong quần chúng nhân dân như: khi gặp đối tượng “ngáo đá”, người mắc bệnh tâm thần nặng, khi xảy ra mâu thuẫn căng thẳng…

Đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong nhân dân; phát huy hiệu quả các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của người có uy tín, vị thế trong gia đình, cộng đồng dân cư. Đáng chú ý, làm tốt công tác nắm tình hình, tiếp nhận, phát hiện và giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân như: Mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp tài sản, mâu thuẫn giữa các nhóm thanh, thiếu niên…

Tiến hành tuyên truyền nguy cơ gây án giết người của người bị bệnh tâm thần, đối tượng “ngáo đá”; rà soát, phân loại, lên danh sách quản lý, đồng thời tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ cho người bị bệnh tâm thần, kịp thời phát hiện đưa vào cơ sở điều trị chữa bệnh đối với người bị bệnh tâm thần nặng có nguy cơ gây án giết người cao.

Minh Hiền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/khong-nen-xem-nhe-nhung-mau-thuan-trong-gia-dinh-564648/