Không nên tự mâu thuẫn với chính mình

Những ngày đầu tháng 5/2018, nhiều tờ báo, nhất là các tờ báo điện tử đưa khánhiều tin bài liên quan đến việc một giáo sư không được bổ nhiệm làm hiệu trưởngcủa một trường đại học tư thục trong TP. Hồ Chí Minh.

Cách giật tít một số tờ báo có phần hơi quá đà. Ảnh: TL

“Góc nhìn người làm báo” không luận bàn về sự hay - dở, được - mất từ việc vị giáo sư không được bổ nhiệm làm hiệu trưởng vì những quy định hiện hành, mà chỉ muốn trao đổi đôi điều về cách gán ghép từ ngữ và giật tít của một số tờ báo có phần hơi quá đà, thiếu chuẩn mực và tự “mâu thuẫn” giữa hình thức và nội dung thể hiện.

Ngày 8/5, khi đánh cụm từ “giáo sư quần đùi” vào công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,50 giây đã hiển thị khoảng 1,8 triệu kết quả. Số lượng đó cho thấy, dư luận quan tâm đến vấn đề này đến mức độ nào. Cái biệt danh “giáo sư quần đùi” là do báo chí gọi, vì vào hồi tháng 4 năm ngoái vị giáo này từng mặc quần soóc, áo phông lên giảng đường dạy học sinh viên.

Chính thời điểm đó, nhiều tờ báo khẳng định, cách ăn mặc này không phù hợp với môi trường giáo dục và phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa ở Việt Nam. Tuy vậy, với sự lan tỏa nhanh nhạy của báo chí, truyền thông và mạng xã hội, “bỗng dưng” giáo sư này trở nên nổi tiếng và gần đây, ông lại càng được nhiều người biết đến hơn bởi những cái tít được đặt trên báo chí như: “Giáo sư quần đùi” và chuyện trên rải thảm, dưới rải đinh; Không công nhận “giáo sư quần đùi” làm hiệu trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?; 8 phát ngôn quanh việc “giáo sư quần đùi” rời đại học HS về Mỹ”; “Trường đại học Mỹ “giáo sư quần đùi” giảng dạy có gì đặc biệt?”; “Giáo sư quần đùi” và nút thắt quản lý trường đại học tư thục v.v..

Điểm lại vài ba cái tít trong hàng chục cái tít “giáo sư quần đùi” tràn lan trên các báo điện tử cho thấy “độ nóng” của thông tin này chưa hẳn xuất phát từ lý do vị giáo sư bị từ chối bổ nhiệm hiệu trưởng, mà một phần bắt nguồn từ cách sử dụng biệt danh, giật tít hơi quá đà, quá chớn và dễ dãi của báo chí.

Như đã biết, giáo sư là tên gọi một học hàm hoặc một chức danh, chức vụ khoa học dành cho cán bộ giảng dạy cao cấp ở các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu. Vì thế tự thân hai chữ “giáo sư” đã bao hàm ý nghĩa cao đẹp, giàu tính giáo dục. Còn quần đùi là một trang phục ngắn gọn, thường mặc trong mùa hè nắng nóng hay sử dụng trong sinh hoạt đời thường, đi dạo chơi, đi tắm biển. Người mặc quần đùi không có nghĩa là không lịch sự, văn minh, nhưng khi nói tới quần đùi, người ta thường tự hiểu có điều gì đó hơi dễ dãi, phóng túng.

Đối với người Việt Nam, mặc quần đùi rất cần được thể hiện đúng đối tượng, đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, đúng môi trường giao tiếp, nhất là những người có vị thế xã hội, học cao hiểu rộng, trình độ uyên thâm thì không nên sử dụng trang phục quần đùi khi tiếp xúc, giao lưu, trao đổi, trình bày một vấn đề chính danh trong một không gian văn hóa. Thế nên, dù vô hay cố ý, việc báo chí gắn cái biệt danh “giáo sư quần đùi” là chưa nhã nhặn, tinh tế, nếu không muốn nói là có phần gượng gạo, thô ráp. Vì một chức danh, chức vụ khoa học đáng trân trọng, mà lại được gắn với một thứ trang phục đời thường và đôi khi có phần tầm thường, là vô hình trung tạo ra hình ảnh chưa chuẩn mực về người trong cuộc.

.

"Bia miệng” của người đời rất khủng khiếp. Ảnh: TL

Dân gian có câu “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” với hàm ý nói lên “bia miệng” của người đời và sự “thị phi” của dư luận có sức sống, sức mạnh vượt thời gian thật là khủng khiếp! Thực tế cho thấy, khi dư luận, báo chí gọi tên ai đó bằng một biệt danh mang ý miệt thị thì suốt đời người đó hầu như bị “mặc định” với cái biệt danh chưa đẹp đó.

Rồi đây sẽ có bạn đọc chưa biết vị giáo sư kia có tài năng gì, trình độ ra sao, đóng góp như thế nào cho cơ sở giáo dục đại học, nhưng bất chợt có lúc nhìn, đọc, nghe thấy hai chữ “quần đùi”, không ít công chúng liên tưởng ngay đến hình ảnh một người mặc áo phông, quần đùi đang cầm micro làm “diễn giả” trước hàng chục, hàng trăm người nghe. Và cũng đến một lúc nào đấy, trong khi lắng đọng tâm hồn, nhìn lại hành trình cuộc đời và sự nghiệp của mình, có thể vị giáo sư này không tránh khỏi chạnh lòng khi dư luận, báo chí “định danh” cho mình cái tên không mấy hay ho như vậy.

Với vai trò là “bà đỡ” góp phần bồi đắp, nâng tầm nhân cách con người và tư cách là một sản phẩm văn hóa, liệu báo chí có làm tròn bổn phận cao cả đó không khi nỡ để một con người suốt đời phải đeo đẳng một cái biệt danh do báo chí gán ghép, đặt cho mà chính người trong cuộc cũng chả mấy thích thú?

Thiện Văn

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/khong-nen-tu-mau-thuan-voi-chinh-minh-n9670.html