Không nên quy định điều kiện đăng ký thường trú riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương

Chiều 4-9, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra tại Nhà Quốc hội, thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương về việc không nên quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành.

Lý do được nhiều ĐB nêu là bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Đồng thời, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả, vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn (do đây là nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn).

Do đó, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đa số ý kiến cho rằng việc giao HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết.

Phát biểu tại phiên họp về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Bộ Công an thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nội dung quy định tại dự thảo Luật; theo đó, điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công an, không nên bổ sung quy định tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

“Điều kiện về thời gian tạm trú là quy định hiện hành, chỉ áp dụng đối với các thành phố trực thuộc trung ương, đây là rào cản để công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc trung ương khó đăng ký thường trú vào các đô thị này; quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy, không nên tiếp tục giữ quy định này”, ông Nguyễn Duy Ngọc bình luận.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, để bảo đảm việc đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hiệu quả, dự kiến đến tháng 12-2020, sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; dự án này sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự kiến vào đầu năm 2021; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc sẽ thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân.

Tán thành việc bỏ điều kiện riêng đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương, song ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị không quy định “cứng” diện tích chỗ ở tối thiểu mỗi người phải 8m2. “Có thể giao cho Chính phủ quy định. Vì 5-10 năm sau, bình quân nhà ở rộng hơn”, ĐB Hòa kiến nghị.

Cũng bàn về vấn đề này, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) băn khoăn, nếu giao cho HĐND tỉnh quy định diện tích tối thiểu thì không hợp lý, vì sẽ xảy ra tình trạng quyền công dân ở các địa phương khác nhau thì lại khác nhau. Theo ĐB, cần quy định thống nhất trên toàn quốc.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khong-nen-quy-dinh-dieu-kien-dang-ky-thuong-tru-rieng-doi-voi-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-683417.html