Không nên lơ là với bệnh tay chân miệng

Vào thời điểm hiện nay, dù tình hình dịch bệnh tay chân miệng đã giảm trên cả nước, song thực tế vẫn còn không ít người chủ quan, lơ là trong việc phòng tránh, chăm sóc cho con em nên khi trẻ mắc bệnh thường ở giai đoạn rất nặng. Mới đây nhất, đã có 2 bệnh nhi tại các tỉnh ĐBSCL được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TPHCM trong tình trạng trụy mạch, sốc rất nặng, có nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ tham khám cho một bệnh nhi bệnh tay chân miệng.

Thêm hai bệnh nhi nguy kịch vì mắc bệnh tay chân miệng

Thông tin từ BV Nhi Đồng 1 cho biết, tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp mắc tay chân miệng độ 4, độ nặng nhất. Theo đó, cả hai bệnh nhi đều được bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đến vì tình trạng bệnh của bé diễn tiến ngày càng nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới… Cụ thể: Trường hợp bé trai N.T.T. (2 tuổi, ngụ Cần Thơ), nhập BV Nhi Đồng Cần Thơ với các bệnh sử sốt, nổi hồng ban tay chân, bệnh tình diễn biến phức tạp nên được hội chẩn và chuyển đến BV Nhi Đồng 1, TPHCM trong tình trạng tổn thương huyết động học. Sau khi được thở máy, truyền thuốc vận mạch và lọc máu thì tình trạng của bé tạm dần ổn định.

PGS TS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng trụy mạch, huyết áp không ổn định, diễn tiến bệnh nguy kịch. Ngay lập tức, bé được đưa vào Khoa hồi sức thở máy, truyền thuốc vận mạch. Sau 6 giờ, tình trạng mạch, huyết áp bé ổn định, bé được lọc máu gần 2 ngày thì tạm ổn, đang cai máy thở.

Cũng liên quan đến bệnh tay chân miệng, trường hợp bệnh nhi Đ.T.C. (bé trai, 2 tuổi, ngụ Cà Mau), nhập viện địa phương vì sốt, nổi hồng ban tay chân 3 ngày trước đó. Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chuyển đến BV Sản Nhi Cà Mau. Tại BV này, mặc dù được điều trị tích cực nhưng diễn tiến bệnh ngày càng nặng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp với BV Nhi Đồng 1, TPHCM. Sau khi hội chẩn, bé được đặt nội khí quản và nhanh chóng chuyển đến BV Nhi Đồng 1.

Phải chủ động phòng tránh, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ

Theo PGS TS Phạm Văn Quang, cả 2 trường hợp bệnh tay chân miệng trên rất nặng, diễn tiến độ 4, độ nặng nhất, cần phải lọc máu. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, bệnh có thể gây biến chứng nặng nề về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong. Việc tuyến tỉnh tiến hành hội chẩn kịp thời đã góp phần giúp các bé qua được nguy kịch. Bệnh chân tay miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương da và niêm mạc: loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.

Ngoài ra, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. “Mặc dù tình hình bệnh tay chân miệng đã giảm, nhưng người dân không nên chủ quan. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu nặng như sốt cao, nôn nhiều, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, mạch nhanh không tương xứng với thân nhiệt cần cho trẻ đi khám ngay, tránh để bệnh diễn tiến nặng khó cứu chữa…”, BS Quang khuyến cáo.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Thời điểm này, bệnh tay chân miệng đã giảm trên cả nước, tuy nhiên đang có dấu hiệu nhiều người dân chủ quan trong việc phòng bệnh tay chân miệng. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

KIM ĐỒNG

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/khong-nen-lo-la-voi-benh-tay-chan-mieng-642260.ldo