Không nên kiêng tắm, kiêng gió với trẻ bị sởi

Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông - xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh xảy ra quanh năm. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, Hà Nội có hơn 1.500 ca mắc sởi, tăng gấp gần 8 lần cùng kỳ 2018. Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy... có thể gây tử vong.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện... Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau: Sốt cao trên 39 độ C; Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; Chảy nước mắt, mũi, ho, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt; Ban mọc theo thứ tự, ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ hai là ngực, lưng, cánh tay, ngày thứ ba xuống bụng, mông, đùi, chân. Khi ban mọc tới chân thì hết sốt và ban bắt đầu bay.

Khi trẻ mắc sởi, cần đưa trẻ đi khám. Với trường hợp nhẹ, bác sỹ có thể hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ; Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C; Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh, tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió vì sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ. Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.

Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ trên 6 tháng). Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ, chia thành nhiều bữa. Lưu ý, không kiêng khem trong chế độ ăn để bù kịp thời các chất dinh dưỡng bị mất do quá trình nhiễm trùng. Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A. Bổ sung vitamin A để dự phòng thiếu vitamin này, giúp bảo vệ mắt.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao liên tục trên 39- 40 độ C; Khó thở, thở nhanh; Mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, lơ mơ...; Phát ban toàn thân mà vẫn sốt. Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Mũi đầu được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/khong-nen-kieng-tam-kieng-gio-voi-tre-bi-soi/821143.antd