Không nên đề xuất chính sách chỉ phục vụ cho 1 nhóm doanh nghiệp

Chính sách hỗ trợ cần đúng doanh nghiệp thật sự cần giúp đỡ, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Những ngành hàng là thế mạnh của vùng đã bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng hóa tồn kho, thiếu nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp vùng ĐBSCL mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại của toàn cầu. Trong khi đó, sản phẩm tôm Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Khi những thị trường này bị bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, thì kéo theo việc xuất khẩu tôm cũng chịu tác động mạnh.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vùng ĐBSCL.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vùng ĐBSCL.

Ông Phục cũng cho rằng, Chính phủ cần hết sức chặt chẽ trong triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Chính sách hỗ trợ cần đúng doanh nghiệp thật sự cần giúp đỡ, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp làm ăn có lãi trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh chung tay cùng chính phủ thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

“Cộng đồng doanh nghiệp còn làm ăn được trong giai đoạn này nên chung tay với chính phủ để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế, không nên tận dụng, lợi dụng dịch bệnh để kiến nghị chính sách phục vụ cho 1 nhóm doanh nghiệp. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang còn phải đóng cửa, giảm doanh thu 30-50% hoặc là bị lỗ, nên có những chính sách khoanh nợ hoặc là cho họ vào nhóm không bị quá nợ quá hạn”, ông Phục nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, lĩnh vực bị tác động lớn bởi dịch ở ĐBSCL là dịch vụ, du lịch và thế mạnh của vùng là nông nghiệp cũng không tránh khỏi tình trạng này.

Thời gian qua, VCCI Cần Thơ đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị đến các ngành chức năng đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất.

Đặc biệt, với thế mạnh của vùng ĐBSCL là nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa có thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng và lượng hàng tồn kho lớn. Cộng đồng doanh nghiệp vùng ĐBSCL cũng mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành cần đưa ra những giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế và đón đầu thời cơ khi tình hình ổn định.

Các doanh nghiệp hiện nay đang rất mong muốn những gói giải pháp triển khai nhanh hơn, để doanh nghiệp tận dụng sự hỗ trợ này. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính phủ có chính sách đầu tư công về hạ tầng, làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài trong tất cả lĩnh vực. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần tập trung nhiều hơn trong cải cách thể chế, cải cách về thủ tục hành chính, tạo điều kiện giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động, kinh doanh tốt hơn./.

Văn Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khong-nen-de-xuat-chinh-sach-chi-phuc-vu-cho-1-nhom-doanh-nghiep-1046585.vov