Không nên có những pha bóng triệt hạ như của Hoàng Thịnh

Pha bóng của Hoàng Thịnh thực ra là dạng thói quen đã ăn vào ý thức, và nó là một quán tính chơi bóng của cá nhân anh.

Ngô Hoàng Thịnh bị treo giò hết năm 2021, phạt 40 triệu, chưa kể còn cả án kỷ luật nội bộ của CLB. Đó là những gì Ngô Hoàng Thịnh phải nhận về. Nhưng thực tế, Thịnh mất nhiều hơn thế khi ác cảm của dư luận dành cho anh đã trở nên quá lớn.

Hoàng Thịnh có ác ý hay không?

Đây là câu hỏi đã được đặt ra ngay sau khi Hùng Dũng dính chấn thương sau pha va chạm với Hoàng Thịnh trên sân Thống Nhất. Đủ mọi phân tích đã được đưa ra, từ những HLV, cựu danh thủ cho tới những cầu thủ “phủi”, từ những chuyên gia phân tích cho tới những “chém gió viên chuyên nghiệp”.

Trả lời câu hỏi này không hề dễ. Cần nhất là phân tích một cách cặn kẽ từng chi tiết một, để có được đánh giá khách quan nhất.

Thứ nhất, đó có phải là pha va chạm mang tính triệt hạ hay không? Chúng ta cần khẳng định ngay: Đó là pha triệt hạ. Cái chân bị gãy của Hùng Dũng là bằng chứng không thể phủ nhận cho sự triệt hạ. Có triệt hạ thì mới gây ra hậu quả nghiêm trọng đến vậy. Và hậu quả ấy đủ để nhận xét nó là một pha bóng ác.

Ngô Hoàng Thịnh có cố tình triệt hạ hay không? Đây lại là một câu hỏi nối tiếp cần trả lời. Cái ác có thể đến từ cố ý, vô ý. Vậy thì ở trường hợp này, có ác ý hay không? Chúng ta không ai có khả năng trả lời được thấu đáo cả. Chỉ trừ Ngô Hoàng Thịnh, khi tự vấn chính mình một cách trung thực nhất, mới có thể trả lời rằng anh có cố ý hay không mà thôi.

Dù cho Ngô Hoàng Thịnh không hề có ác ý đi nữa, cái giá mà anh phải trả không phải là án phạt, mà chính là sự “bất khả thanh minh” trước dư luận. Hiếm người tin vào sự vô ý của Thịnh và chính điều ấy sẽ khiến Thịnh còn phải dằn vặt rất lâu dài, nếu không nói là cho tới tận cuối cuộc đời mình, bởi mọi thứ bây giờ còn phải phụ thuộc vào khả năng và mức độ hồi phục của Hùng Dũng.

Hơn nữa, đây không phải là lần đầu Hoàng Thịnh vào bóng rát như thế ở V.League. Cái tiền sử ấy đã được lật lại để giờ đây, Thịnh khó có thể lý giải, biện minh gì. Nếu chỉ xét ở tình huống trên sân Thống Nhất vừa rồi thôi, chúng ta có thể nhận thấy Hoàng Thịnh đã chơi bóng một cách vô cùng ngớ ngẩn.

 Cú tắc bóng của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng phải rời xa sân cỏ ít nhất 6 tháng. Ảnh: Quang Thịnh.

Cú tắc bóng của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng phải rời xa sân cỏ ít nhất 6 tháng. Ảnh: Quang Thịnh.

Ở tình thế bóng còn xa khung thành đội nhà, việc tham gia vào tổ chức pressing của đội bóng không đòi hỏi phải ập vào tắc bóng tranh cướp quyết liệt. Thứ cần làm chỉ là áp sát, khống chế không gian để không cho phép Hùng Dũng có thể xoay xở triển khai bóng lên, buộc phải chuyền về.

Chỉ cần như thế, Thịnh đã đáp ứng được tốt yêu cầu pressing khi việc áp sát của anh có thể giúp đồng đội khác có lợi thế hơn trong tranh cướp lại bóng hoặc ít nhất, nó hạn chế lại kênh chuyền bóng của Hùng Dũng. Tuy nhiên, quyết định của Thịnh lại là lao vào chơi rắn để quyết đoạt bóng, và đó là quyết định tồi.

Một cầu thủ ra sân với các quyết định tồi chắc chắn không phải là cầu thủ giỏi. Điều đó lý giải vì sao Thịnh chưa bao giờ vươn tới tầm trụ cột của đội tuyển quốc gia.

Không nên có một "tập quán" bóng đá như thế

Pha bóng của Thịnh, quyết định của Thịnh thực ra là một dạng thói quen đã ăn vào ý thức. Nói thẳng, nó là một quán tính chơi bóng của cá nhân anh. Quán tính ấy được xây dựng từ một tập quán bóng đá rất tồi ở Việt Nam hiện nay.

Khi nói đến tập quán bóng đá này, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến lò SLNA. Trước mắt, chúng ta cần làm rõ để tránh kỳ thị vùng miền. Đúng là nhiều cầu thủ SLNA chơi rất ác, nhưng đừng vội quy chụp rằng người Nghệ là như vậy hay lò SLNA là như vậy.

Vẫn biết, cá tính người Nghệ là quyết liệt và sự cạnh tranh cho một vị trí ở đội một SLNA (thứ tạo nên một nghề nghiệp đời người) là vô cùng khắc nghiệt nên các cầu thủ SLNA đã hình thành ý thức cạnh tranh mạnh mẽ ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân để họ chơi bóng rắn đến mức như vậy. Nói thẳng, đổ lỗi cho lò SLNA là hơi phiến diện, dù biết số lượng chấn thương nặng do các cầu thủ từ lò đào tạo này gây nên là khá phổ biến.

Điều chúng ta cần nhìn là một tập quán bóng đá khá đại chúng, từ bóng đá phủi cho tới bóng đá chuyên nghiệp. Đó chính là tập quán “đá bóng ăn người”.

Những ai từng đi chơi bóng đá phủi hẳn đã từng gặp trường hợp sau một trận đấu có người thay vì nói về các pha bóng đẹp lại khoe rất thản nhiên rằng “hôm nay tôi “ăn” được thằng số 10 mấy quả, sướng không tả”. Cái “ăn” này là gì? Là thúc cùi chỏ, là chọc ngón tay vào mắt, là vả vào mặt, là chích gót, là kê gầm giày. Và nếu nói về chấn thương ở bóng đá phủi, chúng ta hẳn sẽ thấy nó kinh hoàng hơn V.League rất nhiều về số lượng cũng như mức độ.

Hoàng Thịnh trả giá đắt sau cú vào bóng với Hùng Dũng. Ảnh: Minh Chiến.

Một bác sĩ thể thao từng tiết lộ: “Một năm tôi mổ gối cỡ 600 ca. Toàn bóng đá phủi cả”. Theo bác sĩ này, nguyên nhân chủ yếu do chất lượng mặt sân cỏ nhân tạo quá kém, nhưng đa phần cũng là các va chạm mang tính “ăn người” trên sân.

Cái tập quán bóng đá không ít người tự hào là “tay, chân, miệng” vẫn tồn tại một cách mặc định như thế. Với họ, đá bóng là gì? Là miệng chửi, tay và chân chơi tiểu xảo. Cơ bản, họ đều bắt nguồn từ một tâm lý chung: Trước khi đá, phải dọa cho đối thủ sợ mà né mình ra cái đã.

Hồi thập niên 80, 90, khi mà giày đá bóng chuyên nghiệp vẫn còn là của hiếm, từng có một cựu trung vệ lẫy lừng thường dọa đối thủ bằng cách khi hai đội xếp hàng ra sân ở đường hầm, anh nghiến đinh sắt xuống sàn gạch ken két để hù dọa. Và đúng là nhiều đối thủ sợ anh thật. Gặp là né vì ai mà biết được đinh sắt vô tình.

Khi người ta còn thích dọa nhau trước khi chơi bóng; khi người ta còn hãnh diện về chuyện “ăn” được đối thủ vài pha đau điếng thì chuyện lớp đành anh đi trước chỉ dạy và khuyến khích lớp đàn em đi sau vào sân là phải “ăn người” cũng là chuyện thường tình. Quay lại với Ngô Hoàng Thịnh, liệu anh có quán tính chơi bóng như vậy không nếu như ở SLNA trước kia không có một “bạo chúa” như Huy Hoàng?

Và nếu nói về SLNA, chúng ta cũng phải nói về các đội bóng khác. Giả như SLNA chơi bóng hiền lành, đẹp mắt, liệu họ có bị “ăn” bởi các đội dám chơi rừng rú khác hay không? Nhiều khi, sự ác được hình thành bởi muốn đối phó lại các sự ác khác mà thôi. Còn khi nó trở nên ác hơn, nó sẽ thành tâm điểm chỉ trích.

Đã từng có thời, cầu thủ đội khách đá trên sân và bị khán giả đội nhà dùng súng cao su bắn bi vào người. Cái sự ác ấy chính là thứ nuôi dưỡng cho cái ác trên sân cỏ. Thật đau lòng khi chúng ta phải chứng kiến một tập quán bóng đá theo kiểu “mình không ăn nó thì nó ăn mình”.

Và bây giờ, khi dư luận ồn ào về vụ Ngô Hoàng Thịnh, không ít người xỉa xói cả một vùng đất. Cái sự kỳ thị ấy cũng là một tập quán xấu xí của bóng đá Việt. Nó có giúp gì cho sự thay đổi tích cực hay chỉ đổ thêm dầu vào lửa mà thôi?

Cuối cùng, vẫn phải là câu chuyện của những người liên quan mật thiết đến cầu thủ. Nếu người HLV nghiêm khắc với lối đá “ác đến ngu xuẩn” của học trò; nếu những bậc đàn anh biết dạy cho đàn em thế nào là tinh thần mã thượng; nếu những người đại diện, người xây dựng hình ảnh cho cầu thủ biết chỉ bảo cho cầu thủ của mình nên chơi bóng với thái độ nào thì sẽ tạo dựng được một hình ảnh đẹp trong công chúng, cầu thủ sẽ không bị hủy hoại phần hồn để ra sân với những đòn đánh ác quỷ.

Phản ứng của 2 HLV về pha bóng của Hoàng Thịnh Ông Chu Đình Nghiêm và HLV Alexandre Polking đều tỏ ra tiếc nuối khi Hùng Dũng bị gãy chân sau pha vào bóng của Hoàng Thịnh.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-nen-co-nhung-pha-bong-triet-ha-nhu-cua-hoang-thinh-post1197005.html