Không nên chủ quan

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2019) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Chỉ số xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm sáu bậc; Chỉ số giải quyết phá sản giảm bốn bậc; Chỉ số cấp phép xây dựng tụt một bậc; riêng Chỉ số nộp thuế giảm 45 bậc so với năm trước, dù thời gian nộp thuế là 351 giờ và bảo hiểm xã hội là 147 giờ, không thay đổi so với năm trước và số lần nộp thuế giảm từ 14 lần/năm xuống 10 lần/năm, tổng mức thuế suất/lợi nhuận giảm 0,3%.

Ðược biết, việc chịu "điểm liệt 0" về hoàn thuế giá trị gia tăng là một trong những lý do khiến Chỉ số nộp thuế tụt 45 bậc có một phần lý do là Việt Nam có sự thay đổi chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho các hoạt động kinh doanh nhỏ theo Nghị định số 146/2017/NÐ-CP. Việc thay đổi chính sách này dù là cần thiết để giảm gian lận và thất thoát ngân sách nhà nước khi thực hiện hoàn thuế, nhưng vẫn có hơi hướng của việc "khó quản thì cấm".

Tuy vậy, với 334 trong tổng số 351 giờ (95% thời gian) dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai thuế cho thấy cơ quan thuế cần tiếp tục rà soát đơn giản hóa chế độ kế toán và cắt giảm các yêu cầu không cần thiết trong nội dung và quy trình khai thuế, để phù hợp hơn và giảm thời gian chuẩn bị thủ tục cho các doanh nghiệp (DN), với phần lớn là DN nhỏ và vừa.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, do thay đổi cách tính và số lượng nước tham gia xếp hạng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 tụt một bậc, dù có tới 8 trong số 10 chỉ số cải thiện về điểm số.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm liên tiếp từ 2014 đến 2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả triển khai là tích cực, nhất là các chỉ số: khởi sự kinh doanh; công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp; cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký sở hữu tài sản; giải quyết tranh chấp hợp đồng; giao dịch thương mại qua biên giới và hiệu quả logistics… Tuy vậy, hầu hết các chỉ số chưa đạt mức trung bình ASEAN 4 cả về điểm số và thứ hạng, dù khoảng cách đang được thu hẹp dần.

Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, theo kế hoạch, các bộ phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 28 văn bản để đơn giản, cắt giảm 6.003 trong số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra và 74 thủ tục. Các bộ, cơ quan có ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền ban hành 70 văn bản (19 luật; 51 nghị định) để đơn giản, cắt giảm 3.794 trong số 6.191 điều kiện. Ðến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 trong số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra (tương đương 68,2% tổng số điều kiện, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các bộ) và 30 thủ tục. Ðồng thời, các bộ đã trình ban hành được 22 văn bản (một luật và 21 nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.004 trong số 6.191 điều kiện (đạt 97% so với chỉ tiêu giao).

Yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập đòi hỏi không chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh; giảm bớt đối tượng kiểm tra chuyên ngành, mà còn là hoàn thiện đồng bộ và thực chất các thể chế thị trường và các chính sách quản lý kinh doanh khác phù hợp với nội dung, lộ trình cam kết và thông lệ quốc tế, nhất là cần bám sát tinh thần CPTPP và EVFTA cùng hàng chục FTA khác mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia.

Trước mắt, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc liên thông điện tử giữa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và kết nối thông tin kết quả kiểm tra giữa các cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành; tăng cường hậu kiểm và áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro; công nhận kết quả kiểm tra trong việc phân tích đánh giá thông tin về doanh nghiệp, tránh kiểm tra trùng lắp; tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh mới, với chất lượng cao…

Sự tụt hạng nhẹ, tuy tăng điểm thành phần trong xếp hạng mới nhất của WB và WEF về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 là thông điệp về môi trường kinh doanh của nước ta không xấu hơn trước, nhưng tiến bộ chưa được như kỳ vọng, cho nên không thể chủ quan và các mục tiêu cải cách cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa…

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38163502-khong-nen-chu-quan.html