Không né tránh

Hôm qua (8/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là “mục tiêu cần đạt được” để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%, trong đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng. Giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Hàng loạt mục tiêu và kế hoạch cụ thể trong tái cơ cấu nền kinh tế cũng đã được đề cập trong đề án...

Ảnh minh họa

Những mục tiêu đề ra trong nghị quyết đã có sự khác biệt khi đặt trúng các vấn đề khó khăn đang gặp phải trong giai đoạn mới như hội nhập quốc tế, môi trường, năng suất lao động, nợ công… Vì thế mà kế hoạch triển khai trọng tâm của tái cơ cấu lần này là thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và bền vững, nâng cao năng suất lao động, xóa bỏ mệnh lệnh hành chính. Thay vào đó là đẩy mạnh cải cách toàn diện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, qua đó để thị trường có vai trò quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực sản xuất, huy động và tranh thủ các nguồn lực phát triển; xây dựng mục tiêu, chi tiêu cụ thể… Thực tế, vừa qua chỉ đạo của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, quyết liệt hơn, thể hiện đúng vai trò Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, DN trong phát triển kinh tế; không can thiệp, cản trở quyền tự do kinh doanh, quyền được làm những điều mà pháp luật không cấm; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Chính phủ cũng quyết liệt xử lý cán bộ có sai phạm; chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các dự án BOT; đề nghị công khai nợ xấu, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, biện pháp xử lý và khắc phục, siết chặt kỷ cương tài chính công.

Chính vì thế, với việc lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết tái cơ cấu nền kinh tế giúp tạo cơ sở, tạo nhận thức đầy đủ từ T.Ư đến địa phương về tầm quan trọng của vấn đề có tính chiến lược này. Chủ trương tái cơ cấu kinh tế giai đoạn trước (2010 - 2015) đã đạt được kết quả nhất định nhưng chưa thực sự tạo những bước chuyển căn bản như mục tiêu đề ra. Thậm chí còn không ít tồn tại có thể kể ra đó là nhiều bộ, ngành, địa phương thấy có lợi thì làm, không thì bỏ qua, động lực thay đổi không có. Hoặc có làm thì làm theo hình thức và khó nhất khi triển khai là lợi ích nhóm, bệnh hình thức và bệnh thành tích.

Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới tiếp tục là việc lớn, việc khó. Tuy nhiên mục tiêu, quan điểm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã rõ, rất cần có kế hoạch thực hiện quyết liệt. Điều quan trọng số một của Chính phủ và các cấp hiện nay là hoàn thiện thể chế, kỉ luật thực thi, các kế hoạch, dám đi đến tận cùng của việc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng... Đây mới là trọng tâm khi xây dựng các kế hoạch triển khai Nghị quyết tái cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2020 thời gian tới.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-ne-tranh-272427.html