Không mua được Hiến pháp Mỹ, quỹ tiền mã hóa vẫn làm nên lịch sử

ConstitutionDAO là sự kết hợp của 2 trào lưu nổi bật trong năm 2021: kêu gọi cộng đồng đầu tư và cổ vũ tiền mã hóa.

Ngày 19/11, một trong những phiên đấu giá kỳ lạ nhất của Sotheby's khép lại. Bản in hiếm của Hiến pháp Mỹ nguyên bản đã được bán với mức giá 43 triệu USD. Mức giá này cao gấp đôi con số dự tính ban đầu, và phá kỷ lục của Sotheby's về vật phẩm thuộc thể loại sách, bản in hoặc văn bản lịch sử.

Người thắng đấu giá là Kenneth Griffin, nhà sáng lập và CEO công ty quản lý quỹ Citadel. Tuy nhiên, đối thủ trực tiếp của ông Griffin mới gây chú ý. Đó không phải là một người, mà là tổ chức phi tập trung có tên gọi ConstitutionDAO. Bằng hình thức kêu gọi đóng góp tiền mã hóa, ConstitutionDAO đã thu về đến hơn 40 triệu USD ủng hộ.

Kế hoạch lớn của người ủng hộ tiền mã hóa

ConsitutionDAO là một tổ chức tự quản phi tập trung (DAO- Decentralized Autonomous Organization). New York Times ví DAO như "một phòng chat sử dụng tài khoản ngân hàng". Thay vì ban quản trị tập trung, các DAO đi đến các quyết định và đồng thuận dựa trên hợp đồng thông minh của blockchain.

 Bản in Hiến pháp Mỹ được trưng bày trước khi đấu giá. Ảnh: Getty.

Bản in Hiến pháp Mỹ được trưng bày trước khi đấu giá. Ảnh: Getty.

Đây không phải lần đầu tiên một DAO gọi vốn để mua các vật phẩm. Vào tháng 4, PleasrDAO gọi được 5,4 triệu USD để mua NFT liên quan đến Edward Snowden. Tổ chức này tiếp tục gọi vốn thành công 4 triệu USD để mua album nhạc của Wu-Tang Clan, từng thuộc về nhà quản lý quỹ tai tiếng Martin Shkreli.

Tuy nhiên, quy mô của ConstitutionDAO lớn hơn hẳn. Chỉ sau 24 giờ thành lập, tổ chức này đã gọi được số Ether tương đương 4,5 triệu USD. Số tiền quyên góp cuối cùng từ hơn 17.000 người tham dự lên đến gần 50 triệu USD, gấp nhiều lần những DAO trước đó.

"Mục đích của ConstitutionDAO là mua lại Hiến pháp Mỹ bằng cách ứng dụng khả năng của những công nghệ mà chúng tôi cùng có niềm tin", Austin Cain, một trong những người tham gia quản lý tổ chức này chia sẻ với New York Times.

Những người tổ chức ban đầu chỉ kết nối qua Twitter và Zoom, nhưng sau một tuần đã kêu gọi được hơn 17.000 người tham gia. Ảnh: New York Times.

Mọi chuyện bắt đầu từ đầu tháng 11, khi Sotheby's thông báo đấu giá bản in của Hiến pháp Mỹ. Ý tưởng ban đầu chỉ thu hút được vài người, sau đó họ bắt đầu liên lạc với nhau trên Twitter, rồi gọi nhau qua Zoom.

Sau cuộc họp, những thành viên đầu tiên của ConstitutionDAO cũng không quá chờ đợi kế hoạch này. "Khi tôi tham gia cuộc họp đầu tiên, tôi nghĩ khả năng việc này thực sự diễn ra chỉ khoảng 20%. Sau đó chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau, và rồi tôi thực sự nghĩ nó sẽ rất thú vị", Julian Weisser, nhà đầu tư đến từ South Dakota chia sẻ.

"Vào ngày thứ Năm (10/11), đây vẫn còn là một nhóm những người lạ, có chung một nhiệm vụ là mua bản in của Hiến pháp Mỹ", Yossi Hasson, CEO công ty Metaversal, cũng là người đóng góp nhiều nhất cho tổ chức với 1.000 ETH (tương đương 4,2 triệu USD) nói với CoinDesk.

Ngoài việc kêu gọi thành viên, việc xử lý bản in hiếm như thế nào cũng là vấn đề lớn. Tổ chức này đặt kế hoạch liên lạc với một bảo tàng hoặc thư viện công cộng để trưng bày tập tài liệu, vốn là bản Hiến pháp Mỹ duy nhất còn thuộc về một nhà sưu tầm. Tuy đã có một vài địa điểm, ConstitutionDAO cho biết nơi trưng bày cuối cùng sẽ do cộng đồng bình chọn.

Kế hoạch thanh toán cũng không đơn giản. Sotheby's chỉ chấp nhận pháp nhân đấu giá bằng tiền pháp định, nên ConstitutionDAO buộc phải tìm một công ty có thể thay mặt tổ chức này đặt giá, cũng như chuyển đổi số tiền mã hóa Ether sang USD.

Nhiều vấn đề phức tạp sau khi thua cuộc

ConstitutionDAO sẽ không phải lo lắng nhiều về vấn đề xử lý bản sao Hiến pháp Mỹ như thế nào. Thay vào đó, họ sẽ phải thực hiện một lời hứa khác: hoàn tiền cho người tham gia khi thua cuộc.

Mặc dù số tiền quyên góp được vào khoảng 49,5 triệu USD, tức là cao hơn mức đấu cao nhất 43,2 triệu USD, nhiều rào cản chi phí liên quan đến bảo hiểm, lưu trữ, đấu giá và vận chuyển khiến ConstitutionDAO không thể đặt giá cao hơn.

Khi kêu gọi quyên góp, ConstitutionDAO đã hứa hẹn sẽ trả lại tiền nếu họ thua cuộc. Họ một lần nữa nhắc lại thông điệp này trên tài khoản chính thức.

ConstitutionDAO lập kỷ lục gọi vốn để mua một vật phẩm, với số tiền quyên góp gần 50 triệu USD. Ảnh: Getty.

"Chúng ta không mua được bản Hiến pháp Mỹ, nhưng đã tạo ra lịch sử. Chúng ta đã phá kỷ lục về dự án gọi vốn cộng đồng cho một vật phẩm, số tiền gọi vốn lớn nhất trong 72 giờ, và dĩ nhiên số tiền này sẽ được trả lại cho những người đã tham gia. Gửi tới 17.437 người đã tham gia, cảm ơn bạn", tài khoản của ConstitutionDAO viết vào ngày 19/11.

Tổ chức này cũng tạo ra token PEOPLE cho những người đóng góp dựa trên mạng lưới ERC-20 của Ethereum. Nếu chiến thắng, mọi người tham gia đóng góp sẽ nhận được token PEOPLE. Những người nắm giữ token sẽ có tiếng nói và quyền biểu quyết đối với các quyết định quan trọng của ConstitutionDAO.

Chúng ta không mua được bản Hiến pháp Mỹ, nhưng đã tạo ra lịch sử

Tài khoản của ConstitutionDAO viết sau khi nhận thất bại

Đến nay, hơn một ngày sau khi thất bại, ConstitutionDAO vẫn chưa đưa ra phương án hoàn tiền. Chưa rõ họ sẽ hoàn lại số tiền đã đóng góp bằng token PEOPLE hay ETH, và những người đã góp tiền sẽ nhận lại qua hình thức nào.

PEOPLE được giao dịch trên một số sàn phi tập trung ngay sau khi xuất hiện, và mức giá đã tăng nhẹ trước khi giảm rất mạnh vì tổ chức này thua cuộc. Đồng token này sau đó đã ngừng giao dịch.

Token PEOPLE tăng giá một chút, nhưng nhanh chóng về 0 sau khi ConstitutionDAO thất bại. Ảnh: Poocoin.

Ngoài ra, người nhận lại tiền nhiều khả năng sẽ phải trả khoản phí giao dịch (gas) khá lớn của mạng ERC-20. Theo thông tin của ConstitutionDAO, những người đóng góp đã gửi khoản tiền trung bình 206 USD. CoinDesk nhận định nếu được hoàn tiền, khoản phí giao dịch có thể lên tới gần một nửa số tiền đã góp.

Do đó, một số nhà quan sát đã gợi ý sử dụng các loại token layer 2, tức là hoạt động dựa trên nền blockchain Ethereum, để giảm số phí phải trả. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-mua-duoc-hien-phap-my-quy-tien-ma-hoa-van-lam-nen-lich-su-post1278636.html