Không mơ ước thì biết làm gì trong lúc tắc đường?

Bi quan đến mấy thì cũng ít người nghĩ được ra, khi đường được làm xong, cầu mới khánh thành, thì cái Ngã Tư Sở lại khốn khổ hơn 20 năm trước.

Hai mươi năm trước tôi háo hức lên Hà Nội để nhập học, nhưng đó là buổi nhập trường đáng sợ. Hai người lái xe ôm chở mẹ và tôi đã lạc nhau ở giữa biển xe cộ ở Ngã Tư Sở. Người lái xe ôm động viên, thôi cứ xuống đi bộ, đi men theo hướng này, hướng này sẽ đến được cổng trường. Chẳng có cách nào khác, tôi phải nhảy xuống cuộc bộ.

May mắn là mẹ tôi cũng dò dẫm hỏi được đường tới cổng trường Đại học KHXH & NV. Có lẽ, những người lái xe ôm đã chuẩn bị cho tình huống này.

Mẹ tôi sợ Hà Nội từ hôm đó, mỗi lần nhắc tới Ngã Tư Sở bà lại vội xua tay. Cảm giác lạc con ở giữa Hà Nội, giữa con phố đông nghẹt người quả thực quá ám ảnh.

Hai mươi năm sau, khi tôi đã ra trường, đi làm, thừa sự rành rẽ, thuộc mọi ngóc ngách của Hà Nội nhưng vẫn có nhiều hôm không thể đưa mẹ thoát ra khỏi những con đường tắc cứng của Thủ đô để về quê. Từ bến xe Yên Nghĩa, Hà Nội để về đến Hải Phòng, nếu đó là một buổi chiều cuối tuần thì thực sự là cơn ác mộng.

Đầu tiên là nút thắt cổ chai đúng giữa đoạn cuối đại lộ Thăng Long dẫn lên đường vành đai 3. Thoát qua được đoạn này, sẽ phải tiếp tục tinh thần để đối mặt với hành trình kinh khủng trên cầu Thanh Trì.

Đã quá nhiều lần, những chuyến xe chở mẹ tôi phải vật vã mất nhiều giờ mới vượt qua được đoạn đường này. Chỉ cần 1 chiếc xe tải trục trặc, một vụ va chạm nhỏ, là toàn tuyến đường tê liệt. Mỗi lần phải hành xác như vậy, bà thường than thở, đường xá gì mà quái lạ, còn tắc hơn ngày xưa.

Vâng, đúng là ở Hà Nội, có những nút giao thông được thiết kế rất lạ lùng. Không, phải gọi nó là quái lạ mới đúng.

Trước đây khi chưa có đường cao tốc 5B, những chuyến xe từ Hà Nội vòng lên đường vành đai 3, đi qua cầu Thanh Trì rồi rẽ xuống đường 5A. Nhưng nút giao thông này được thiết kế cực kỳ oái oăm khi toàn bộ lưu lượng phương tiện vòng qua đường 5A rồi lại “rót” ngang xuống đúng nút giao thông trọng điểm, luồng phương tiện rót xuống này xung đột trực tiếp với luồng phương tiện đang lưu thông ngược về Hà Nội khiến vai trò của cầu vượt bị triệt tiêu gần như hoàn toàn.

Mãi sau này, báo chí phản ánh quá nhiều, tài xế kêu than thấu trời, sai lầm này mới được sửa chữa bằng một cây cầu mới, “nắn” dòng phương tiện từ Hà Nội xuôi thuận theo hướng về Hải Phòng nên sự ùn tắc tại đây mới chấm dứt.

Tương tự như vậy, khi xây dựng xong Đại lộ Thăng Long, xây dựng xong đường vành đai 3, thì hai tuyến đường rất lớn, rất hoành tráng này chỉ được kết nối với nhau bằng đoạn đường dẫn lên bé tí tẹo ở đoạn Khuất Duy Tiến.

Hãy cứ tưởng tượng, đại lộ Thăng Long giống hệt một dòng sông lớn, khi chảy xuôi về Hà Nội với vận tốc cao, mật độ dày đặc, nhưng lại không được “khơi nguồn” đủ lớn để “chảy” vào sông Vành đai 3 mà khi đến cuối dòng lại bị “buộc” thít rồi “rót” từ từ, chậm rãi lại. Vì vậy các phương tiện xếp lớp để chen nhau bò lên đường trên cao.

Thực sự, đó là kiểu đấu nối các hệ thống đường giao thông theo kiểu “thắt cổ”.

Và có vẻ như sai lầm này đang tái diễn tại Ngã Tư Sở. Kể từ khi đoạn đường Ngã Tư Vọng – Vĩnh Tuy hoàn thành, thì “dòng” phương tiện giao thông cực lớn được “rót” trọn vẹn xuống cái nút cổ chai Ngã Tư Sở. Những ngày qua, từ khi đường mới hoàn thành, cứ vào giờ cao điểm, “dòng sông người” ùn lại, bế tắc, loay hoay giống hệt cá dồn vào vũng cạn.

Người Hà Nội bi quan đến mấy thì cũng ít người nghĩ được ra, khi đường mới làm xong, cầu mới khánh thành, thì cái Ngã Tư Sở lại khổ như 20 năm trước.

Nhiều chuyên gia giao thông đã lên tiếng việc xây dựng cầu, đường theo kiểu tắc đâu giải quyết đấy, xây cầu, làm đường nhưng thiếu nhạc trưởng, thiếu sự tính toán kỹ lưỡng, lường trước mọi khả năng, biến số… đã khiến cho giao thông Hà Nội nhiều khu vực rối như tờ vò, cứ khơi xong chỗ này thì nó lại phình ra chỗ khác.

Ngày cuối tuần vừa qua, toàn tuyến đường từ Ngã Tư Sở xuôi về Nguyễn Trãi Tắc cứng, đường Trường Chinh tắc cứng, đường Láng cũng tương tự, rồi kế đến là nút giao đại lộ Thăng Long với đường vành đai 3, rồi Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương, Tố Hữu, tiếp đến là đường vành đai 3, cầu Thanh Trì. Tất nhiên không thể quên khu vực cầu Tó, Phan Trọng Tuệ, ngã ba Xa La…

Là một nhà báo, theo dõi mảng giao thông nhiều năm, thú thực tôi thấy bi quan. 20 năm qua, dù đường xá cầu cống có được xây dựng nhiều hơn, nhưng tiến độ xây dựng quá chậm chạp, đôi chỗ vá víu và giải quyết theo kiểu tắc đâu xử lý đó.

20 năm qua, có rất ít chuyến xe tôi đưa mẹ lên Hà Nội hay về quê mà có thể thảnh thơi, thư giãn, thay vào đó là những phút giây lo lắng, phập phồng vì những nút giao thông huyết mạch tắc cứng, chán chường.

Mẹ tôi hay khuyên, hay là về quê con ạ, ai cũng kéo lên Hà Nội thế này, vật vã chen chúc khổ quá, rồi bọn trẻ con, cứ đi học, cứ hịt bụi đường, khói xe như thế này tội chúng nó.

Thực ra thì mẹ tôi cũng biết, tôi không thể về. Dù sướng khổ gì, cũng đã quen với Hà Nội mất rồi, quen với tắc đường, khói bụi. Thôi thì chen nhau mà sống, ngày nào không tắc, hoặc tắc ít, thì coi đó là ngày vui, rất vui.

Và thì cứ tiếp tục chờ đợi, hy vọng, mai đây, mai này, sau nữa, không còn xa… tuyến đường sắt trên cao, đường sắt đô thị sẽ xong. Rồi tôi sẽ mua nhà ở ngoại ô, để buổi sáng nhàn nhã cuốc bộ ra ga, đi trên những toa tàu mát rượi, sạch sẽ, nhìn xuống phía dưới, ở phía dưới là những tuyến đường không còn tắc nữa.

Đó là mơ ước, là niềm tin, dù sao thì tôi, chúng ta cũng đã chờ đợi quá lâu rồi, vậy cứ cứ mơ, rằng một ngày nào đó, giao thông sẽ dễ thở hơn, vì có đường sắt trên cao, đường sắt đô thị. Tất nhiên hy vọng thế, chứ chẳng ai dám chắc, sau khi những công trình độ sộ này đi vào vận hành, mọi chuyện sẽ khác đi.

Nhưng không mơ ước, thì còn biết làm gì trong lúc tắc đường?

Việt Hoàng

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/khong-mo-uoc-thi-biet-lam-gi-trong-luc-tac-duong-184709.html