Không 'mất cảnh giác' với rủi ro trong thanh toán quốc tế

Những cảnh báo rủi ro trong thanh toán quốc tế tiếp tục được các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra tại Hội thảo 'Thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu' do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/12 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rủi ro toàn cầu

Thương mại quốc tế đã và đang đối diện với nguy cơ bị lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế và thanh toán điện tử, khi cơ sở pháp lý bị giới hạn ở biên giới của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp (DN) và các hợp đồng giao thương.

Theo thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, từ năm 2013 đến năm 2016, đã có khoảng 22.000 vụ lừa đảo gây thiệt hại trên 3 tỷ USD. Các vụ lừa đảo này diễn ra ở 79 quốc gia, trong đó, tội phạm chủ yếu từ các tổ chức tại Đông Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Trong những năm qua, cùng với đà tăng trưởng của kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng qua các năm. Việt Nam cũng có quan hệ thương mại quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, ASEAN, Hoa Kỳ, Trung Quốc...

Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ đối mặt ngày càng nhiều với rủi ro trong thanh toán quốc tế khi đây là một mảng không thể tách rời trong hoạt động thương mại quốc tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Thống kê cũng cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam đã mất khoảng 8 tỷ USD từ các công ty nước ngoài do không thu hồi nợ được hoặc bị lừa đảo.

Cách đây không lâu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã gửi văn bản đến các DN hội viên cảnh giác với tình trạng lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, đã có vài DN thủy sản bị lừa đảo có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng ECHOPACK INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown, có địa chỉ tại 5084 Francois, Cusson Lachine, Quebec, Canada. Echopack đã cấu kết với Ngân hàng General Equity (New Zealand) để lấy hàng và không thanh toán tiền hàng.

Luật sư Bùi Quang Tín, các rủi ro trong thanh toán quốc tế là những vấn đề xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể tham gia giao dịch. Các rủi ro này có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong quá trình thực hiện giao dịch và với bất cứ chủ thể nào như nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu hay ngân hàng.

Làm gì để thoát khỏi "tầm ngắm" của tội phạm?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thanh toán quốc tế Ngân hàng An Bình cho biết từ năm 2013 đến nay, xu hướng DN chuyển sang phương thức chuyển tiền, thanh toán trực tiếp, ít sử dụng những biện pháp phòng ngừa và phương thức thanh toán qua ngân hàng hay tổ chức tín dụng để giảm chi phí. Do vậy, DN thường đối diện với rủi ro bị tội phạm công nghệ tấn công. Các đối tượng thường tấn công vào tài khoản, tạo email giả và dẫn dụ nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản tin tặc.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, rủi ro lớn nhất mà DN Việt Nam mắc phải là điều khoản hợp đồng không chặt chẽ, nguồn thông tin về thương nhân nước ngoài, DN khá chủ quan, không điều tra cặn kẽ.

Do vậy, để giảm thiểu được những rủi trong thương mại quốc tế nói chung và thanh toán quốc tế nói riêng, theo các chuyên gia luật, các DN cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch. Cần có sự trao đổi trực tiếp với đối tác, hoặc thông qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn,thương vụ/sứ quán để sàng lọc những đối tác có uy tín. Đồng thời, phải chú ý hơn đối với những thương nhân giao dịch lần đầu.

Ngoài ra, các DN nên mua bảo hiểm tỷ giá trong trường hợp tình hình tỷ giá biến động phức tạp và khó dự báo. Đặc biệt, các DN phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như trả chậm, chuyển tiền hay nhờ thu.

Bên cạnh đó, do các mẫu hợp đồng mua bán theo các điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms) thường được in sẵn, nên để tránh sự hiểu lầm, sai sót khi ký hợp đồng mua bán, các bên phải đặc biệt chú ý đến các điều khoản áp dụng.

DN cũng cần cảnh giác với yếu tố “giá bất thường” so với cung – cầu thị trường, vì đây là những cái bẫy mà các DN nước ngoài chuyên lừa đảo tạo ra ngày càng nhiều khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/phap-luat-kinh-doanh/khong-mat-canh-giac-voi-rui-ro-trong-thanh-toan-quoc-te-129418.html