Không mắc màn khi ngủ, cả nhà phải nhập viện gấp

Bắt đầu bằng cơn sốt cao đột ngột ngỡ sốt virus thông thường nhưng hai ngày sau thêm cả hai con của chị Nhàn cũng bị. Đến viện, ba mẹ con bị sốt xuất huyết trong đó chị và cô con gái có dấu hiệu xuất huyết nguy hiểm.

Chị Nhàn và cậu con trai cùng mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại BV Đống Đa (Hà Nội)

Chị Nhàn và cậu con trai cùng mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại BV Đống Đa (Hà Nội)

Ba mẹ con cùng mắc

Gương mặt mệt mỏi không kém phần lo âu khi đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), chị Nhàn nhìn hai con ở giường bên (cô con gái 14 tuổi và cậu con trai 8 tuổi) cho biết cả ba mẹ con chị đều mắc sốt xuất huyết. Trong đó chị và cô con gái 14 tuổi có dấu hiệu xuất huyết nguy hiểm.

Theo lời chị Nhàn, trước đó, ngày 22/8, chị có biểu hiện sốt cao 38,8-39 độ C, nhưng nghĩ do sốt virus hoặc do thay đổi thời tiết nên chị chỉ uống hạ sốt, oresol bù dịch. Nhưng đến ngay hôm sau chị vẫn thấy sốt cao không hạ, sau đó hai con của chị cũng bắt đầu sốt cao.

Sáng 25/8, cả 3 mẹ con đến Bệnh viện Đống Đa khám, được làm xét nghiệm và chẩn đoán sốt xuất huyết. Lúc này tiểu cầu bắt đầu hạ. Chị Nhàn có biểu hiện đi ngoài phân đen, cô con gái 14 tuổi có biểu hiện hành kinh sớm trước chu kỳ- dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nên cả 3 mẹ con được chỉ định nhập viện theo dõi. Cậu con trai 8 tuổi cũng được theo dõi kỹ.

“Thấy nhà không có muỗi, nên gia đình tôi cũng không có thói quen ngủ màn nên tôi cũng không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Nhưng sau đó, tôi thấy người mệt, nằm lê lết cả ngày, người bứt rứt như kiến cắn, đi ngoài phân đen tôi cũng nghĩ có khả năng mình bị sốt xuất huyết”, chị Nhàn nói.

BSCKII Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận điều trị cho 91 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc chỉ riêng trong tháng 8 là 39 (chiếm hơn 42%). So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc có giảm, các ca bệnh cũng nhẹ hơn, tiểu cầu ít bị hạ, số trường hợp có biểu hiện xuất huyết cũng ít hơn.

“Thời gian qua thời tiết Hà Nội mưa nhiều, sau đó lại nắng gắt, muỗi phát triển nhiều nên số ca bệnh có dấu hiệu tăng lên. Tuy nhiện hiện bắt đầu mùa dịch của sốt xuất huyết huyết, cao điểm vào tháng 9-10-11), vì thế người dân không được chủ quan”, BS Minh nhấn mạnh.

Theo BS Minh, bắt đầu từ ngày thứ 4 bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Tuy nhiên từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Không tự ý truyền dịch

Theo các chuyên gia, triệu chứng của sốt xuất huyết gồm sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn.

Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Giải thích thêm về thói quen sốt là truyền dịch tại nhà của nhiều người dân, BS Minh nhấn mạnh “không được tự ý truyền dịch” bởi “điều này rất nguy hiểm”.

“Lý do vì ở từng thời điểm, từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ phải điều chỉnh tốc độ truyền dịch nhanh hay chậm để tránh sốc.

Chẳng hạn, từ ngày thứ 4, bệnh nhân có thể có rối loạn tăng tính thấm thành mạch, dễ xuất huyết nặng lên, rối loạn đông máu, nếu truyền dịch không cẩn thận có thể dẫn đến sốc, nhất là những người có cơ địa bệnh nền mạn tính. Đến giai đoạn hồi phục, cơ thể lại tái hấp thu dịch trở lại, lúc này bệnh nhân không nên truyền dịch mà nằm theo dõi tình trạng xuất huyết. Hay có những bệnh nhân máu cô đặc vì phải truyền ở tốc độ rất nhanh”, BS Minh lưu ý.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội từ đầu năm đến nay, thành phố có 1.422 người mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Đó là trường hợp sốt xuất huyết bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Trong khi theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Vì thế, BS Minh nhấn mạnh, người dân cần hết sức lưu ý, việc truyền dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ, tùy từng gia đoạn bệnh có tốc độ truyền như thế nào.

Bên cạnh đó, cũng theo bác sĩ Minh người dân không nên quá lo ngại dịch Covid-19 mà không đi đến bệnh viện khám. Hiện nay các bệnh viện đều phân luồng bệnh nhân, trường hợp có biểu hiện sốt không có biểu hiện của Covid-19 thì được cho đi khám đúng chuyên khoa.

Có đến 70% các trường hợp sốt xuất huyết là lành tính, tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/khong-mac-man-khi-ngu-ba-me-con-nguoi-ha-noi-nhap-vien-vi-mac-sot-xuat-huyet-262555.html